Mỗi dịp Trung thu, làng nghề này sản xuất và cung cấp hàng nghìn chiếc trống cho khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
Theo tin tức trên báo Lao Động, làng Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) là một trong số rất ít các làng còn giữ được nghề làm trống truyền thống vào mỗi dịp Trung thu. Là làng nghề nổi tiếng với nghề này từ lâu nhưng hiện cả làng chỉ còn năm nhà còn giữ được cái nghề cha ông để lại.
Loại gỗ để làm trống trước kia hay dùng là gỗ mít, nhưng nay sử dụng chủ yếu là gỗ trám, bồ đề, hoặc mỡ. |
Tại đây, những người sản xuất trống chủ yếu đã ngoài 50 bởi đây là nghề lấy công làm lãi, lợi nhuận rất thấp, báo Lao động đăng tải. Hiện, thanh niên trong làng chủ yếu phải đi làm ở các khu công nghiệp hay buôn bán xa nhà.
Quá trình làm trống trải qua rất nhiều công đoạn. Trước đây chưa có máy móc, tất cả công đoạn phải làm thủ công mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nay có sự tham gia của các loại máy như máy cắt giúp tiết kiệm tối đa vật liệu, thời gian gia công và tăng hiệu quả công việc.
Trước đây, cứ đầu tháng 7 là cả làng đã rộn ràng đục đẽo, thử trống … nhưng gần đây trống chỉ tiêu thụ vào sát Tết Trung thu.
Ông Lê Đình Tuấn, trưởng ban văn hóa xã Liêu Xá cho biết:"Đầu tháng 7, nườm nượp xe tải đến đầu làng để mua trống chở đi tiêu thụ. Mỗi năm có gia đình xuất đi 50.000 sản phẩm. Trống của làng Hảo được phân phối ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, từ trong Nam đến ngoài Bắc".
Theo xu hướng thị trường, làng nghề này đang sản xuất nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu người dùng hơn như sản xuất thêm mặt nạ cáo, thỏ, Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, đầu sư tử ... với nhiều kích cỡ.
Những chiếc trống thành phẩm đủ mọi kích thước sẵn sàng đến các tỉnh thành trên cả nước. |
Chia sẻ với VnExpress, chị Vũ Thị Thoàn, người có kinh nghiệm làm trống 40 năm cho biết: "Mỗi năm làm ra hàng vạn sản phẩm, 3/4 số sản phẩm như vậy đã được giao đi khắp các tỉnh thành từ đầu tháng 7 âm lịch, còn lại chỉ để bán lẻ cho các mối quanh huyện".
(Tổng hợp)