Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Về Hưng Yên, thăm quan nét đẹp trong quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến

(DS&PL) -

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của khu di tích Phố Hiến xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của khu di tích Phố Hiến xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh Hưng Yên và thành phố Hưng Yên tiếp tục huy động các nguồn vốn thực hiện dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch để phát triển du lịch gắn với các khu di tích nằm trong quần thể Quốc gia đặc biệt Phố Hiến.

Đền Mẫu.

Theo dòng lịch sử, xưa kia khu vực Phố Hiến vào thế kỷ 16, 17 và ngày nay là thành phố Hưng Yên (Hưng Yên) đã từng là  sở, lỵ của trấn Sơn Nam. Là một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam với hoạt động giao thương nhộn nhịp "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Trải qua nhiều biến cố của thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến không còn là một thương cảng, trung tâm thương nghiệp nhưng những dấu tích của một thời hưng thịnh vẫn còn rất đậm nét trong các công trình kiến trúc, những tập quán, nếp sống của cộng đồng dân cư.

Được biết, đến nay thành phố Hưng Yên hiện còn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có 01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh); gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị. Điều đặc biệt là các di tích phân bố ở khắp các phường, xã tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một thương cảng sầm uất, là di sản vô giá trong kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại.

Cây đa hơn 700 tuổi trong đền Mẫu.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2408/QĐ-TTg, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích Phố Hiến. Theo đó khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành: Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đền Kim Đằng (phường Lam Sơn); đền Trần, đến Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, chùa Phố, đền Bà Chúa Kho (phường Quang Trung), chùa Chuông, đình An Vũ, đền Nam Hòa (phường Hiến Nam); đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi), đình- chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội (phường Hồng Châu) và chùa Nễ Châu (xã Hồng Nam). 

Ngày 28/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2156/QĐ-UBND thành lập Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (gọi tắt là Ban Quản lý khu di tích). Theo đó, Ban Quản lý khu di tích trực thuộc UBND thành phố Hưng Yên, là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng quản lý, khai thác, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. 16 di tích trong khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến là những di tích tiêu biểu, là sự kết tinh và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, là điểm nhấn cho phát triển du lịch ở thành phố Hưng Yên.

Chùa Chuông.

Trong bài viết này, phóng viên  chỉ xin được trích lượt qua một số di tích tiêu biểu nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến.

Trước tiên phải nói đến ĐỀN MẪU.  Đền Mẫu là di tích nổi tiếng nhất, nằm trong chuỗi quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Đền có tên chữ là Hoa Dương Linh từ, là một thắng tích đẹp nằm uy nghi soi bóng bên Hồ Bán Nguyệt thơ mộng như một bức tranh phong cảnh hữu tình tại đường Bãi Sậy, phường Quang trung, thành Phố Hưng Yên. Đền thờ bà Dương Quý Phi triều Tống, Trung Quốc. Theo sử sách, vào thế kỷ XIII, đế quốc Nguyên - Mông xâm chiếm nước Tống. Triều đình Mạt Tống tan vỡ, vua quan phải chạy trốn ra đảo Nhai Sơn. Nhưng thế cùng lực kiệt không chống cự nổi sự truy đuổi tới cùng của quân Nguyên - Mông, vua Tống Đế Bính cùng quan quân, tam cung lục viện triều đình nhảy xuống biển tuẫn tiết. Sau nhiều ngày trôi dạt trên biển, thi hài bà Dương Quý Phi đã dạt vào vùng biển hạ lưu Đằng Giang, thuộc vùng đất Phố Hiến. Nhân dân địa phương đã đắp mộ và dựng ngôi miếu nhỏ thờ bà, mọi người đến thắp hương, cầu đảo đều rất linh ứng.

Đền Trần.

Hàng năm, lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15/3 Âm lịch, nhằm tưởng nhớ ngày mất của Thánh mẫu. Hòa cùng lễ hội dân gian Phố Hiến, tại đây diễn ra nhiều hoạt động nhằm bảo lưu những giá trị truyền thống như: Tế lễ, rước kiệu, múa lân, múa rồng, rước nước, chọi gà, cờ tướng,… và nhiều trò chơi dân gian khác. Đây là dịp tập trung đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự, tạo nên bản sắc độc đáo của văn hóa Hưng Yên trong vùng châu thổ Bắc Bộ, tạo đà cho du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Tiếp theo là di tích VĂN MIẾU XÍCH ĐẰNG, một biểu tượng về đất học có nhiều người thi đỗ làm quan thời phong kiến. Văn Miếu Xích Đằng, tọa lạc tại khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên nên được gọi là Văn Miếu Xích Đằng. Đây là di tích tiêu biểu nhằm tôn vinh nền văn hiến và truyền thống hiếu học lâu đời của người dân Hưng Yên. Văn Miếu Xích Đằng là nơi tôn thờ Đức Thánh Khổng Tử (551 - 479 TCN) - người sáng lập ra Nho giáo và các chư hiền của Nho gia. Cùng phối thờ với Khổng Tử là thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) - nhà sư phạm tài năng, đức độ thời Trần. Vào thời Nguyễn, Văn Miếu còn là nơi tổ chức các kỳ thi Hương và sát hạch thí sinh đi dự kỳ thi Hội.

Đình An Vũ.

Hàng năm, vào các ngày mồng 4, mồng 5 Tết Nguyên đán tại Văn Miếu sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa như: Triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương cùng tham gia hưởng ứng; đặc biệt là các em học sinh, sinh viên đến xin chữ để mong ước thuận lợi trong học hành và thi cử. Ngoài ra, nơi đây còn diễn ra một số hoạt động như trao thưởng cho học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học nhằm khích lệ cho các em học tập và rèn luyện về đạo đức góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Di tích tiêu biểu tiếp theo là CHÙA CHUÔNG. Đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu, đặc sắc, cảnh đẹp nơi đây đứng vào hàng danh lam cổ tích trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Chùa Chuông mang trong mình những giá trị văn hóa, tinh thần mãi mãi trường tồn của một đô thị cổ sầm uất và phồn thịnh vào thế kỷ XVI – XVII. Hiện tại, chùa Chuông còn lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật rất có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử - văn hóa đó là các bức đại tự, câu đối, chuông đồng,… với nội dung phong phú, sâu sắc, đậm tính nhân văn. Tiêu biểu là các di vật như cầu đá xanh, cây hương đá (Thạch thiên đài) được tạo tác năm Chính Hòa thứ 23 (1702) và quý hiếm hơn là tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Văn bia ca ngợi chùa Chuông là nơi danh thắng hào khí anh linh, sự phồn thịnh của Phố Hiến xưa.

Hệ thống bia đá trong văn miếu Xích Đằng.

Di tích tiếp theo không thể không nhắc tới, đó là ĐÌNH AN VŨ. Đình An Vũ được xây dựng  trên khuôn viên rộng 3135m2 tại khu phố An Vũ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Đây là vọng gác tiền tiêu của Phố Hiến xưa. Đình thờ Cao Sơn Đại Vương được nhân dân truyền gọi là ông Thần Vàng. Thần có tên là Nguyễn Hiền, người xã Thanh Uyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông là danh tướng thời Vua Hùng Duệ Vương, đã cùng Tản Viên Sơn thánh kết nghĩa anh em. Hai ông cùng phò giúp vua Hùng đánh thắng quân Thục xâm lược giành độc lập cho dân tộc. Sau khi mất, ông được dân làng An Vũ tôn làm thành hoàng của làng và xây đình để ngàn năm thờ phụng.

Hiện nay, đình An Vũ còn bảo lưu được nhiều hiện vật, đồ thờ có giá trị như: Tượng Cao Sơn Đại Vương, đỉnh đồng, chuông đồng và đặc biệt là 05 đạo sắc phong thời Nguyễn. Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng 03 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ đến công lao của Thành hoàng. Ngoài các nghi thức  tế lễ, dâng hương còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: hát trống quân, hát cò lả... thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đây cũng là dịp tri ân công lao của vị thành hoàng, đồng thời ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông ta trong buổi đầu đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Văn miếu Xích Đằng.

Di tích tiếp theo không thể không nhắc đến khi về Hưng Yên, đó là ĐỀN TRẦN. Đền Trần nằm uy nghi soi bóng bên hồ Bán Nguyệt thuộc phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, là một trong những danh thắng tiêu biểu thuộc quần thể di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2014. Ngôi đền tôn thờ người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị tướng trụ cột của vương triều Trần. Ông sinh ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228) trong một gia đình quý tộc thuộc tôn thất nhà Trần, nguyên quán ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, Nam Định. Cha ông là An Sinh vương Trần Liễu, anh ruột của Vua Trần Thái Tông, mẹ là Nguyệt Vương Phi.

Hiện nay, đền Trần còn bảo lưu được nhiều hiện vật rất có giá trị về lịch sử - văn hóa và mỹ thuật, đó là hệ thống cửa võng, câu đối, ngai thờ, bia đá… và đặc biệt là 15 đạo sắc phong thời Nguyễn. Đây là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý báu đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử, địa danh của Phố Hiến xưa. Hàng năm, vào ngày 8/3 và 20/8 âm lịch, đền Trần thường tổ chức lễ hội nhằm kỷ niệm ngày chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và ngày hóa của Đức Thánh Trần. Đây cũng là dịp diễn ra các lễ hội văn hóa dân gian vùng Phố Hiến với nhiều hoạt động văn hóa tạo thành sự kiện mang đậm sắc thái tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây.

Đền Trần là một di tích đặc biệt tiêu biểu nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái. Với ý nghĩa lịch sử to lớn và những tiềm năng sẵn có, đền Trần đã và đang trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn cho mỗi du khách khi về thăm Phố Hiến- Hưng Yên.

Xuân Khiển 

Tin nổi bật