Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

VCCI: Yêu cầu Google, Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam là “trái cam kết quốc tế”

(DS&PL) -

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng một số quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng phù

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng một số quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng phù hợp về tính thống nhất với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

Trong văn bản góp ý của VCCI gửi Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mới đây, VCCI phản ứng khá mạnh về Khoản 4 Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng trong nội dung yêu cầu doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam.

VCCI cho rằng, điều kiện này hiện trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đồng thời, nếu quy định này bắt buộc DN thì họ sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam mới có thể được kinh doanh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Trong cam kết của WTO mà Việt Nam tham gia cuối năm 2006, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong EVFTA mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

"Như vậy, quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại khoản 4 Điều 34 của Dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam", Văn bản gửi Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của VCCI cho biết.

Về việc đặt máy chủ, trong nội dung Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Việt Nam ký kết tháng 2/2016, Chương Thương mại điện tử, khoản 2 Điều 14.13 (Địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin) quy định: "Không Bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của Chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của Bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó".

“Hiện nay, mặc dù TPP chưa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn nhưng Việt Nam và 10 nước còn lại trừ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đàm phán để đưa ra quyết định cuối cùng. Do đó, VCCI cho rằng cần hết sức cân nhắc và không nên đặt ra quy định pháp luật trong nước đi ngược lại hướng của TPP”, văn bản của VCCI cho biết.

Theo một số chuyên gia, nếu các quy định trên được áp dụng, các nhà cung cấp dịch vụ như Google (gmail, Drive, Google Plus, Youtube...), Facebook, Yahoo (yahoo mail), Skype, Viber... đều sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam mới có thể được kinh doanh.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, ông Huỳnh Thanh Phi, chuyên gia marketing, cho rằng: "Nếu Việt Nam áp dụng luật này sẽ trở thành một rào cản, khiến người Việt không thể tiếp cận được những tiến bộ về mặt công nghệ truyền thông của thế giới".

Theo ông Phi, các quốc gia phát triển không quan tâm đến việc dữ liệu được đặt ở đâu bởi đây là kỷ nguyên của "đám mây" (Cloud), họ chỉ quan tâm dữ liệu sẽ được sử dụng như thế nào.

Trong khi đó, bà Bùi Việt Hiền Nhi, Phó ban truyền thông FPT Telecom, cho rằng việc yêu cầu xây dựng chi nhánh đại diện là điều hợp lý bởi điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn trong việc kiểm soát và hạn chế tối đa những rủi ro về gian lận thương mại, an toàn thông tin.

Một doanh nghiệp dù hoạt động trên bất kỳ quốc gia nào, nhưng "khai thác" nguồn lợi tại Việt Nam thì bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải tuân thủ theo những quy định của nước sở tại.

"Tuy nhiên, việc đưa máy chủ về Việt Nam là điều không hề đơn giản và chắc chắn ít nhận được sự đồng tình của các công ty nước ngoài. Tôi thấy rằng việc thắt chặt kiểm soát là điều cần thiết, nhưng cần cân nhắc tới đặc thù hoạt động của từng ngành hàng khác nhau để xây dựng những quy định phù hợp" - bà Nhi nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng những dịch vụ như Google, Facebook hiện có lượng người dùng Việt Nam rất lớn.

Do đó, nếu các công ty này không được hoạt động tại Việt Nam thì với nhu cầu rất lớn của người dùng trong nước, họ vẫn sẽ tìm cách sử dụng dịch vụ của Facebook, Google.

Và tất nhiên có thể các công ty này cũng sẽ có cách để hỗ trợ người dùng Việt Nam sử dụng dịch vụ do họ cung cấp.

"Tôi cho rằng chúng ta không nên dùng biện pháp hành chính để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài, mà nên dùng biện pháp kỹ thuật nào đó để quản lý họ sẽ có tác động hiệu quả hơn", luật sư Đức nói.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật