Theo báo Người Lao Động, ngày 5/4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết liên tiếp trong thời gian gần đây, đơn vị đã nhận được phản ánh của nhiều trường hợp bị các đối tượng xấu lừa đảo, bán sang Campuchia.
Em Nguyễn Tấn Thanh (ngụ ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) kể, vì ở quê không có việc làm nên lên facebook tìm việc làm và thấy có đăng bài tuyển nhân viên bốc xếp hàng hóa, lương mỗi tháng 10 triệu đồng ở tỉnh Tây Ninh.
Một nạn nhân làm việc với công an tỉnh sau khi được gia đình chuộc về. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
"Em có liên hệ và được hướng dẫn đón xe đò vào Tây Ninh sẽ có người gặp, đưa về làm việc ở xưởng. Em tin lời nên đón xe vào Tây Ninh. Khi đến nơi, em bị đưa qua Campuchia lúc nào không biết. Tại đây, người phiên dịch cho biết em đã bị bán sang Campuchia. Nếu muốn về nhà, phải bỏ tiền chuộc", Thanh kể.
Cũng theo Thanh, khi đến Campuchia, công việc được các đối tượng giao là làm việc trên máy tính và tham gia lừa đảo chính người dân Việt Nam mình, chứ không phải làm bốc xếp. "Vì em không làm việc được trên máy nên liên tục bị đánh đập. Vừa qua, gia đình phải bỏ ra trên 100 triệu đồng để chuộc em về Việt Nam", Thanh thông tin thêm.
Với thủ đoạn tương tự, anh Nguyễn Thanh Hùng (ngụ ở huyện Nghĩa Hành) cũng bị lừa đưa sang Campuchia làm việc. "Họ bắt chúng tôi mỗi ngày phải lừa ít nhất được 1 người với số tiền 600 USD, nếu không thì bị kéo ra đánh đập, chích điện vào người. Công việc lừa đảo người dân quê mình nên tôi không làm được. Tôi cầu cứu gia đình đã chuộc tôi về", anh Hùng kể lại.
Theo Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi, thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo việc làm tại tỉnh Tây Ninh xuất hiện nhiều. Các đối tượng xấu đăng tin, bài tuyển dụng lao động trên mạng xã hội, trực tiếp gặp gỡ, lôi kéo, dẫn dắt người lao động đến Tây Ninh làm việc.
Đồng thời, các đối tượng này hứa hẹn giúp người lao động có việc làm ổn định, lương cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và cho ứng trước tiền lo chi phí. Điều này khiến nhiều người nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy. Khi người lao động tới Tây Ninh, các đối tượng tìm cách đưa nạn nhân sang Campuchia.
Quá trình ở Campuchia, nạn nhân bị quản lý chặt chẽ, không được tự do đi lại và liên hệ với bên ngoài. Khi không đáp ứng tần suất làm việc, chỉ tiêu được giao, vi phạm quy định do phía chủ đề ra thì bị tra tấn, đánh đập, đối xử thậm tệ.
Thượng tá Phạm Quang Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết mỗi gia đình các nạn nhân đã phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để chuộc con em về nước. Có trường hợp chuyển tiền chuộc nhưng vẫn chưa được về.
Thượng tá Phạm Quang Tuấn khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội. Nếu có nhu cầu tìm việc làm nên tìm hiểu tại các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm được cấp có thẩm quyền cấp phép, báo VietNam Plus thông tin.
T.H (T/h)