Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, mới đây, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã phẫu thuật cho một bệnh nhi 3 tuổi bị chấn thương sọ não do vô tình vặn tay ga xe máy.
Theo gia đình bệnh nhi cho biết, vào ngày xảy ra sự cố trên, trẻ vô tình vặn tay ga xe máy khiến chiếc xe lao về phía trước, va chạm với xe máy khác và trẻ bị ngã.
Sau ngã, trẻ chảy máu vùng đầu và xây xát vùng cánh tay, được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Trên phim chụp CT.Scanner sọ não của bệnh nhi phát hiện trẻ bị vỡ lún xương sọ trán phải, đụng dập tụ máu nhu mô não trán phải. Theo đó, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nâng lún xương sọ, cầm máu và xử trí vết thương cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, hiện sức khỏe trẻ ổn định và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Trên phim chụp CT.Scanner sọ não của bệnh nhi phát hiện trẻ bị vỡ lún xương sọ trán phải. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống.
Theo Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên để trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga mà không thắt dây an toàn khi tham gia giao thông.
Khi cho trẻ tham gia giao thông, cha mẹ lái xe với tốc độ ổn định vừa phải, mang đai chắc chắn nối giữa người lái với trẻ nhỏ. Đặc biệt, với trẻ nhỏ 1 - 2 tuổi, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa 2 người lớn. Tuyệt đối không cho trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy.
Trên thực tế, việc cho trẻ ngồi đâu thì khi tai nạn xảy ra đều sẽ bị ảnh hưởng, nhưng cho trẻ ngồi phía sau, được thắt đai an toàn và đội nón bảo hiểm sẽ giúp trẻ ít bị ảnh hưởng hơn khi tai nạn xảy ra.
Cha mẹ xuống xe máy thì phải tắt máy và cho trẻ xuống xe vì khi trẻ ngồi trên xe có thể xảy ra 2 tình huống là xe có thể đổ đè vào người; hoặc nếu xe máy chưa tắt khóa điện, trẻ vô tình động vào tay ga gây tai nạn.
Trẻ nhỏ chưa có ý thức bám vào người lớn, nên khi xe chuyển hướng hoặc đi qua các đoạn đường xóc, trẻ khó giữ được thăng bằng, có thể ngã khỏi xe. Ngoài ra, trẻ có thể vô ý vặn tay ga làm xe di chuyển mất kiểm soát.
Bên cạnh đó, vị trí sau tay lái là vị trí nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp là lực quán tính đẩy trẻ về phía trước, đầu hoặc ngực trẻ có thể đập vào tay lái hoặc trẻ bị văng ra xa.