Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Văn Chấn – Yên Bái: Cần xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương cải tạo ruộng để khai thác vàng sa khoáng trái phép

  • Bảo An
(DS&PL) -

Dưới vỏ bọc là đơn vị được người dân thuê, cải tạo lại ruộng đất để tăng năng suất cây trồng, một số cá nhân đã ngang nhiên đào xới hàng nghìn mét vuông đất trồng lúa để khai thác tài nguyên khoáng sản. Hiện tượng này đang xảy ra tại xã Gia Hội (Văn Chấn, Yên Bái) nhưng chính quyền địa phương dường như không hề hay biết.


Cải tạo đất trá hình

Thời gian gần đây, Toà soạn Đời sống & Pháp luật liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Gia Hội, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái về tình trạng đất nông nghiệp của người dân đang bị huỷ hoại nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra trong thời gian dài.

Theo thông tin người dân cung cấp, trong nhiều tháng nay phần lớn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xứ Đồng Nà Sài, thôn Đồng Bú đang bị một đơn vị sử dụng rất nhiều máy móc, thiết bị công nghiệp thực hiện hoạt động cày xới nhằm mục đích khai thác tài nguyên là vàng sa khoáng.

Hoạt động khai thác vàng sa khoáng trên diện tích đất nông nghiệp diễn ra công khai

Hoạt động khai thác này đã tác động nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên của địa phương, đặc biệt lượng chất thải, bùn đất và chất độc hại được sử dụng trong quá trình khai thác đã được xả thẳng ra dòng suối Nậm Mìn, nguồn nước sinh hoạt chính của người dân trong vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ khiến người dân vô cùng bức xúc

Điều đáng nói, theo một số hộ dân, trước đó vào khoảng 7 tháng trước, khi đến địa phương, chính đơn vị này đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ người dân cải tạo chất lượng đất sau trận lũ quét xảy ra năm 2018.

Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân, ngày 7/7, PV đã có mặt tại địa bàn xứ Đồng Nà Sài, thôn Đồng Bú, xã Gia Hội. Tại đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh tượng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị đào xới, cày xẻ nham nhở. Tiếng máy nổ ầm ầm, nhiều máy xúc hoạt động liên tục hết công suất, múc hàng nghìn khối đất chất thành từng đống lớn. Khu vực lán trại sát bờ suối gần đó được quây kín bằng lưới đen, có lẽ là khu vực để các đối tượng tập kết và đãi khoáng sản vàng sa khoáng.

Đội ngũ công nhân đang đãi vàng trên suối

Hàng loạt các loại hoá chất sử dụng trong quá trình đãi lọc vàng sa khoáng được xả thẳng ra dòng suối và những cánh đồng hoa màu xung quanh

Điều đáng nói “đại công trường” này chỉ cách Quốc lộ 32 khoảng hơn 200m, dường như hoạt động rất công khai cả ngày lẫn đêm. Rác thải, bùn đất và cả một số hoạt chất độc hại dùng để đãi lọc vàng cuốn theo dòng nước suối đục ngàu.

Rác thải, bùn đất và cả một số hoạt chất độc hại dùng để đãi lọc vàng cuốn theo dòng nước suối đục ngàu

Tận mục sở thị những gì đang diễn ra tại đây, có thể khẳng định những phản ánh của người dân là có cơ sở. Thực trạng khai thác diễn ra khá quy mô, chuyên nghiệp, thậm chí là có dấu hiệu tận thu, tận diệt. Đặc biệt hơn, hoạt động này diễn ra ngang nhiên, không hề có dấu hiệu che dấu, kín đáo cho dù rõ ràng đây là diện tích đất nông nghiệp có mục đích sử dụng để trồng cây lương thực và hoa màu của người dân.

Xã biết sai phạm nhưng bất lực

Nhận thấy có sự bất thường trong công tác quản lý, PV đã kịp thời liên hệ với cơ quan chức năng địa phương để có ý kiến khách quan về vấn đề này. Chúng tôi đã liên hệ với ông Lò Văn Tấn chủ tịch UBND xã Gia Hội nhưng với lý do đang đi học, ông Tấn đã chỉ đạo cấp phó làm việc với PV. Ngay sau đó, chúng tôi được sắp xếp làm việc với ông Lò Văn Khiêm, Phó chủ tịch UBND xã Gia Hội.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của PV về tình trạng khai thác tài nguyên vàng sa khoáng đang diễn tra trên địa bàn thôn Đồng Bú, xã Gia Hội, ông Khiêm không ngần ngại chia sẻ: “Trao đổi thẳng với các anh, đây là người dân dồn thửa trên tinh thần thuê đơn vị bên ngoài vào cải tạo đất. Đơn vị được thuê tranh thủ vét ở dưới, có cái gì thì nó lấy. Chính quyền cũng đã làm việc rồi, cũng đuổi nó đi nhưng nó không đi…Thẩm quyền xử lý cũng chỉ có lập biên bản rồi đuổi ra khỏi địa phương… Tài sản thì cũng không thu được”.

Trụ sở UBND xã Gia Hội

Theo nội dung chia sẻ của ông Khiêm thì có thể khẳng định chính quyền xã Gia Hội đã nắm được sự việc người dân phản ánh. Tuy nhiên vì năng lực có hạn nên chính quyền không thể làm gì các đối tượng thực hiện khai thác tài nguyên trái phép.

Trong buổi làm việc, ông Khiêm đã cung cấp cho PV biên bản xử phạt một số hộ dân về hành vi huỷ hoại đất với mức xử phạt là 2 triệu đồng và buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tình trạng khai thác, huỷ hoại đất trên địa bàn vẫn diễn ra công khai, nhưng UBND xã Gia Hội đành bất lực.

Qua những thông tin ông Khiêm cung cấp, nhận thấy đang xảy ra vấn đề mâu thuẫn khá lớn. Chính quyền xã đã nắm được việc  lợi dụng cải tạo chất lượng đất để khai thác vàng, nhưng UBND xã lại ra quyết định xử phạt với người dân và tỏ thái độ bất lực trước hành vi của các đối tượng thực hiện hoạt động khai thác.

Công trường khai thác trái phép bên cạnh dòng suối Nậm Mìn

Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục chờ hồi đáp và hướng giải quyết dứt điểm sai phạm từ phía UBND xã Gia Hội, PV cũng đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Văn Chấn. Thiết nghĩ, lãnh đạo huyện cần có động thái đôn đốc, thanh kiểm tra hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn; đồng thời cần giám sát công tác quản lý của các cán bộ địa phương chuyên trách, sớm ngăn chặn tình trạng này, trả lại giá trị môi trường thiên nhiên và cuộc sống cho người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:

...3. Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:

a) Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận;

b) Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp;

c) Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người;

d) Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất;

đ) Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà phải đầu tư cải tạo đất mới có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

* Hành vi hủy hoại đất theo Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 150 triệu đồng tùy theo diện tích vi phạm, đồng thời bị áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Phương Phạm - Mai Việt

Tin nổi bật