Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 27/4, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã bắt giữ Trần Viết Thanh (63 tuổi), Đỗ Duy Địch (54 tuổi), Nguyễn Thành Lộc (31 tuổi), Đoàn Mạnh Ứng (36 tuổi), Nguyễn Văn Duy (46 tuổi, cùng ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra hành vi cho vay nặng lãi và cưỡng đoạt tài sản.
Đây là kết quả của chuyên án đấu tranh với nhóm cho vay nặng lãi nhắm vào người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông do Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lâm Đồng xác lập.
Theo điều tra, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện Trần Viết Thanh và Đỗ Duy Địch cầm đầu nhóm cho vay nặng lãi liên huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Các đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Thủ đoạn của Thanh là sai đàn em lập hợp đồng “giả cách” mua bán cà phê với nhiều hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng bản chất là cho vay tiền với lãi suất cao.
Khi người vay không trả tiền theo đúng thời hạn, Thanh sai đàn em tìm đến đe doạ, đánh đập buộc con nợ phải trả tiền. Trường hợp không có tiền để trả, Thanh và đàn em ép người vay buộc phải bán đất hoặc chuyển nhượng đất cho Thanh.
Sau khi xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá, ngày 23/4, Đại tá Trương Minh Đương đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự “cất lưới”, bắt giữ những người liên quan. Cụ thể, tại một quán cà phê ở thị trấn Di Linh, các chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt quả tang Lộc, Ứng, Duy và Thành.
Báo Lâm Đồng cho biết, khoảng đầu tháng 2/2025, Ứng được bà K.D (39 tuổi, ngụ xã Gung Ré, huyện Di Linh) nhờ đứng ra dàn xếp giúp việc kéo dài thời hạn trả nợ đối với khoản nợ mà bà đang nợ của Trần Viết Thanh và Đỗ Duy Địch.
Ngay ngày hôm đó, Ứng nói cho Lộc biết việc của bà K.D nhờ thì Lộc cũng đồng ý giúp và cả hai đã liên lạc hẹn gặp Thanh, Địch tại quán cà phê trên địa bàn xã Gia Hiệp (huyện Di Linh).
Tại đây, Lộc với Ứng đã nói chuyện dàn xếp kéo dài thời hạn trả nợ của bà K.D thì Thanh với Địch đồng ý. Đây cũng là lần đầu tiên Lộc, Ứng quen biết Thanh và Địch.
Công an thu giữ nhiều hung khí của nhóm đối tượng. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Sau khi Lộc và Ứng dàn xếp việc kéo dài thời hạn trả nợ cho bà K.D, Thanh và Địch đặt vấn đề nhờ Lộc, Ứng đi đòi nợ của nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số khác ở huyện Di Linh.
Những người này cũng đã nhận tiền của Thanh và Địch, thỏa thuận trả bằng cà phê nhân khô (giống trường hợp của bà K.D) nhưng đến thời hạn trả nợ thì họ không chịu trả mặc dù Thanh và Địch đã đòi nhiều lần.
Khi được Thanh và Địch nhờ đòi nợ như vậy, Lộc và Ứng cùng đồng ý. Khoảng 3 ngày sau, Thanh với Địch có đưa cho Lộc và Ứng một danh sách ghi thông tin của 127 người nợ và đưa cho Ứng một giấy uỷ quyền ghi ngày 11/2/2025, để Lộc và Ứng đi đòi nợ.
Sau khi có thông tin những người nợ, Lộc và Ứng tìm đến nhà và yêu cầu họ viết giấy cam kết có ghi rõ thời hạn phải trả nợ sau khi đã hết thời hạn trả nợ theo hợp đồng đã ký với Thanh và Địch.
Khi đến hạn trả nợ mới, họ vẫn không trả nợ thì trong nhiều lần đi đòi nợ, Lộc, Ứng, Thanh và Địch chửi bới, đe dọa và đánh đập nhiều người.
Lộc và Ứng được Thanh và Địch trả số tiền 10 triệu đồng/1 tấn cà phê đòi nợ được. Ngoài ra, Lộc còn thu “tiền phạt vi phạm hợp đồng” do người nợ không trả nợ đúng hạn, số “tiền phạt” là 10 triệu đồng/1 tấn cà phê nhân.
Ngày 23/4/2025, trước khi đến quán cà phê tìm K.T, K.N, Lộc có gọi điện thoại báo cho Thanh biết. Thanh nhắn tin cho Lộc với nội dung: “Nói không với nó làm gì”, Lộc hiểu ý của Thanh là nhóm Lộc phải có hành động đe dọa, đánh đập thì mới lấy được tiền nợ.
Ngoài ra, Thanh còn gọi điện thoại báo cho Địch biết việc nhóm Lộc đang đòi nợ ở Di Linh. Khi đang tiến hành đe dọa đòi nợ, các đối tượng bị lực lượng công an bắt giữ quả tang.
Ngoài vụ việc diễn ra vào ngày 23/4/2025, thời gian trước đó, Thanh với Địch đã nhiều lần cùng với Lộc, Ứng đi tìm gặp những người nợ tiền để chửi bới, đe dọa, đánh đập buộc họ phải trả nợ và buộc viết giấy cam kết trả nợ.