Dòng người di cư cùng ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc ở Siberia có thể dẫn đến sự mất chủ quyền của Nga đối với khu vực này.
Ngày 3/7, tờ New York Times (Mỹ) nhận định rằng Trung Quốc đang lăm le chiếm lấy vùng Siberia thưa dân nhưng giàu tài nguyên của Nga.
Siberia, phần lãnh thổ châu Á của Nga, là một vùng rất rộng lớn, chiếm đến 3/4 tổng diện tích nước Nga, tương đương với diện tích của cả Mỹ và Ấn Độ gộp lại.
Theo thống kê, Siberia hiện chứa tới 80\% lượng tài nguyên dầu của Nga, đồng thời chiếm tới 85\% lượng khí đốt tự nhiên, 80\% than và các tài nguyên quý giá như kim loại quý hay kim cương. Việc vận chuyển những tài nguyên này sang châu Á dễ dàng hơn nhiều so với việc chuyên chở tới Moscow cách đó 3.000 km. Vùng Viễn Đông còn là nơi cung cấp cho Nga lối đi ra Thái Bình Dương.
Thế nhưng chỉ có 6 triệu người Nga ở bên này biên giới, trong khi bên kia là 90 triệu người Trung Quốc với một nền kinh tế đang khao khát nguyên vật liệu.
|
Lao động Trung Quốc ở Siberia. |
Theo các nhà quan sát, việc người Trung Quốc ở Viễn Đông và Siberia đông hơn người Nga bản địa sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng áp đặt điều kiện, nội quy, điều lệ của mình lên người dân bản địa nơi đây. Khi đã định cư lâu dài, họ có khả năng xin nhập quốc tịch, hưởng các chính sách phúc lợi xã hội của Nga... Khi ấy, nước Nga chỉ còn sở hữu trên danh nghĩa vùng Siberia và Viễn Đông rộng lớn.
Trong khi đó, ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga đang tăng nhanh. Siberia trở thành nơi cung cấp tài nguyên, khoáng sản cho nền kinh tế bùng phát của Bắc Kinh.
Ngoài ra, các nhà máy Trung Quốc tại Siberia đang ngày càng có khả năng sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh với số lượng lớn; cho thấy vùng này đã thực sự trở thành một phần trong nền kinh tế Trung Quốc.
“Trên thực tế, Bắc Kinh có thể dùng chính chiến thuật của Nga (ở Ukraine) – đó là cấp hộ chiếu cho người dân thân Trung Quốc tại các vùng đang có tranh chấp với Nga, rồi sau đó đem quân sang ‘bảo vệ công dân của mình’”, tờ New York Times viết trong bài xã luận.
Bản thân Trung Quốc đã "nói trắng phớ" tham vọng chiếm Siberia khi tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Peterurg-2014, khi Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều đòi Nga cho phép dân Trung Quốc di cư sang Siberia.
Đề nghị này được lập luận rằng: "Thứ nhất, giữa chúng ta có sự hợp tác kinh tế, không phải là sự hợp tác xuyên đại dương nào đó. Thứ hai, sự hợp tác của chúng ta là bổ sung cho nhau".
Theo Phó Chủ tịch Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc nói nước Nga có lãnh thổ rộng lớn, còn dân Trung Quốc thì yêu lao động nhất thế giới. Nếu hai nước có thể kết hợp những yếu tố này, sẽ nhận được sự phát triển đáng kể.
Hồi tháng 8/2012, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã từng cảnh báo: “Viễn Đông... nằm cách Moscow rất xa và thật không may, chúng ta lại không có nhiều người ở đó và phải bảo vệ khu vực này trước sự bành trướng quá mức của dân chúng các nước láng giềng”.
"Nước láng giềng" kia không được ông Medvedev chỉ rõ là nước nào, tuy nhiên, nhiều người ngầm hiểu đó là Trung Quốc. Với cái cách Trung Quốc đang tiến hành ở Siberia, rõ ràng nước này chẳng cần nhọc công chiếm khu vực rộng lớn giàu tài nguyên của Nga bằng vũ lực, đơn giản đó chỉ là một cuộc "xâm lược mềm", bằng dân cư và ảnh hưởng kinh tế.
Dù cho Nga có nhìn thấy hiểm họa ngay bên cạnh mình khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông và Siberia ngày càng lớn mạnh, nhưng với cách thôn tính không tốn một viên đạn nào của Trung Quốc, nỗ lực bảo vệ vùng đất xa xôi là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với chính phủ Nga.