Bà Chen không ngờ rằng chỉ vì sốt ruột, muốn mau hạ sốt, uống thêm vài viên thuốc, mà bà phải đi chạy thận do bị suy thận cấp.
Bà Chen 66 tuổi đã nghỉ hưu vài năm nay, hiện đang sống ở Hàng Châu (Trung Quốc). Sức khỏe của bà Chen khá tốt mặc dù đôi khi cũng mắc các bệnh vặt như nhức đầu sổ mũi. Những lúc như vậy, bà thường tự đi mua thuốc về uống tại nhà.
Vài ngày trước, bà Chen đột nhiên bị sốt, chóng mặt. Bà đã đến hiệu thuốc mua mấy viên thuốc ibuprofen về uống.
Vì cơn sốt cứ lặp đi lặp lại kèm bị ho và đau lưng nên bà Chen sốt ruột và đã liên tục uống thuốc.
"Một cách vô thức, tôi thậm chí đã uống 8 viên nang ibuprofen trong vòng 24h!", bà Chen kể.
Bà Chen bị suy thận cấp do uống quá nhiều thuốc hạ sốt. |
Sau đó, bà Chen nhận thấy mặc dù đã uống nhiều thuốc như vậy nhưng sốt vẫn không hạ, bà còn bị cơn đau đầu hành hạ ghê hơn. Bà đã đến bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu để khám.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ nhận thấy máu của bà Chen có chỉ số viêm cao, chức năng gan và thận bất thường nên đã ngay lập tức chuyển bệnh nhân đến phòng cấp cứu.
Ban đầu, bà Chen không đồng ý vì cảm thấy mình chỉ bị cảm mạo thông thường, không đến nỗi suy thận cấp tính như bác sĩ phán đoán.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra sâu hơn sau đó tại khoa cấp cứu đã cho thấy, chính những viên thuốc hạ sốt quá liều mà bà đã uống gây ra lượng nước tiểu giảm mạnh đã làm chấn thương thận cấp tính. Bà cần nhập viện ngay để chạy thận nhân tạo gấp.
Hiện tại, bà Chen vẫn đang nằm viện để theo dõi điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của bà được cải thiện, các chỉ số sức khỏe đã ổn định.
Lạm dụng thuốc hạ sốt, bà Chen phải đi chạy thận do bị suy thận cấp. Ảnh minh họa |
Theo bác sĩ Huang Shien, trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Chữ thập đỏ hàng Châu, sốt là triệu chứng lâm sàng phổ biến. Khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 38,5°C thì phải tiến hành hạ sốt bằng các cách làm mát vật lý và uống thuốc hạ sốt.
Các loại thuốc hạ sốt thông thường bao gồm: Acetaminophen, ibuprofen, aspirin và indomethacin... Hầu hết chúng là thuốc chống viêm không steroid, có tác dụng hạ sốt bằng cách ức chế sự tổng hợp của tuyến tiền liệt trung ương.
Khoảng thời gian giữa các lần uống thuốc hạ sốt đều được chỉ định rõ ràng trong hướng dẫn đi kèm. Độ dài của chúng có liên quan đến thời gian tác dụng và bán hủy (thời gian chuyển hóa thuốc) của thuốc. Những loại như acetaminophen, ibuprofen thường có hướng dẫn sử dụng mỗi lần uống cách nhau khoảng 6 giờ.
Tuy nhiên, một số người có tâm lý lo lắng, sốt ruột nên thường dùng quá liều và đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, sau khi uống thuốc hạ sốt, nhiều người còn không uống nhiều nước dẫn đến tình trạng thiếu nước, người bệnh không đi tiểu, gây hạ huyết áp, nhất là ở nhóm người cao tuổi.
Bá sĩ Huang cho biết, tại phòng khám, ông đã gặp phải một số bệnh nhân bị tổn thương gan do sử dụng quá nhiều thuốc hạ sốt: "Hầu hết các thuốc hạ sốt như acetaminophen đều được chuyển hóa ở gan. Liều lượng cao có thể gây ra tổn thương gan cấp tính, đây là một tác dụng phụ của loại thuốc này".
Bác sĩ Huang Shien cảnh báo mọi người không nên dùng hai loại thuốc hạ sốt cùng lúc. Đối với thuốc trị cảm có acetaminophen, không nên tự ý mua về dùng không theo hướng dẫn chỉ định.
Gần đây, thời tiết nắng nóng khiến số lượng bệnh nhân bị sốt tăng cao. Bác sĩ khuyến cáo mọi người không tự ý mua thuốc về uống tại nhà, hãy đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.
Nếu uống thuốc hạ sốt, bạn phải chú ý uống nhiều nước, quan sát lượng nước tiểu. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì đến bệnh viện ngay, để không trì hoãn việc điều trị.
Minh Khôi (Theo Sohu)