Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ước mơ trở thành họa sĩ của cậu bé có đôi tay bằng nhựa tự chế

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Sau vụ tai nạn kinh hoàng, Hiếu vĩnh viễn mất đi hoàn toàn đôi bàn tay. Từ chỗ là cậu bé hiếu động cùng tương lai ngời sáng, giờ em đối diện với vô vàn khó khăn.

(ĐSPL) - Sau vụ tai nạn kinh hoàng, cậu bé vĩnh viễn mất đi hoàn toàn đôi bàn tay. Từ chỗ là cậu bé hiếu động, lanh lợi cùng tương lai ngời sáng, giờ em đối diện với vô vàn khó khăn. Chứng kiến cảnh con trai nỗ lực và quyết tâm trở lại, người cha đã tự tay chế ra đôi tay nhựa cho con. “Đôi tay” ấy đã giúp em nuôi dưỡng, viết tiếp ước mơ cuộc sống.

Tai nạn kinh hoàng của cậu bé 14 tuổi

Sau cơn mưa rào tháng 10, vợ chồng lão nông Phan Văn Nhì (SN 1961, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tất bật cho vụ mùa mới. Càng vui hơn khi Phan Trọng Hiếu (SN 2002, con trai ông) đang bước vào năm cuối cấp 2. “Nếu như 2 năm trước, tôi không cho cháu thực hiện ước mơ của mình thì bây giờ có lẽ cả gia đình sẽ phải hối hận”, ông Nhì chia sẻ.

Hiếu đến trường bằng đôi bàn tay nhựa. Ảnh: Báo Công an TP HCM

Ngược dòng thời gian, ký ức về ngày kinh hoàng hiện dần trong tâm trí ông. Đó là ngày 30/11/2013, cả thị trấn Ái Nghĩa rúng động sau tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ triền đồi A37 (khu vực quân sự cũ thuộc thị trấn Ái Nghĩa – PV). Linh tính có điều không lành, hàng chục người rầm rập băng đường lao lên con dốc.

Đến nơi, dân làng lặng người khi phát hiện 3 đứa trẻ nằm gục trong đau đớn. Cách đó không xa là khung cảnh xơ xác, cháy rụi, hậu quả của vụ nổ mìn. Thông tin lan đi, nhiều người dân có con trong độ tuổi ấy hớt hải tìm đến. Và rồi ông Nhì như chết lặng khi biết 1 trong 3 đứa trẻ ấy là Hiếu, con trai ông. Hiếu cũng là đứa bị thương nặng nhất.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận Hiếu bị đa chấn thương, gãy nát 2 bàn tay, giập gãy 2 xương đùi, bụng bị nhiều vết thương nên đưa em ra TP.Đà Nẵng cứu chữa. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc da, cắt cụt 2 bàn tay, cắt lọc vết thương ở 2 bên đùi và làm cố định đùi bên trái cho Hiếu.

Ngồi lặng bên chồng hồi lâu, nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm, bà Nguyễn Thị Ngọc Đào (SN 1965, vợ ông Nhì) nghẹn ngào cho hay, Hiếu là con trai duy nhất của ông bà. Vào thời điểm đó, Hiếu đang học lớp 6. Hiếu học rất giỏi lại lanh lợi, chăm ngoan. Vì gia đình khó khăn nên như bao đứa trẻ Đại Lộc khác, sau khi đến trường, Hiếu lại lùa đàn bò lên đồi chăn thả. Đồi A37, nơi tập trung nhiều bom mìn từ thời chiến tranh, đã từng gây ra bao nỗi đau cho người dân địa phương, là một trong những nơi Hiếu thường chăn bò. “Sau giải phóng, cơ quan chức năng đã nỗ lực rà phá bom mìn nhưng vẫn còn sót lại. Buổi đó, Hiếu cùng bạn đi chăn bò. Do còn nhỏ nên Hiếu không biết được mức độ nguy hiểm khi đập phá mìn. Hậu quả là Hiếu bị cụt cả đôi tay, còn 2 chân thì bị tật, đi lại rất khó khăn. Lúc đó, các bác sĩ nhận định, nếu bị nhiễm trùng có thể khó giữ được tính mạng. Có thể bị bại liệt...”, bà Đào xót xa kể.

Quãng thời gian đằng đẵng 1 năm trời sau đó, Hiếu làm bạn với bệnh viện. Gia đình đã nghèo nay càng khốn khó bởi tiền viện phí. Bao đêm liền, ông bà lặng lẽ khóc thương con, cùng lời nguyện cầu Hiếu sẽ qua khỏi tai ương. Rất may, một số nhà hảo tâm đã động viên, chia sẻ tinh thần, vật chất cho gia đình.

Cha làm tay nhựa giúp con viết tiếp ước mơ

Hơn một năm điều trị, Hiếu mới xuất viện. Lúc này, em vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay. Không những không có tay, đôi chân của Hiếu cũng rất yếu. Vụ tai nạn đã khiến chân Hiếu bị tổn thương nặng. Mỗi bước đi của Hiếu đều rất khó khăn.

Khi chúng tôi đang trò chuyện với vợ chồng ông Nhì thì Hiếu đi học về. Không giống với những gì chúng tôi đã tưởng tượng về em, về 1 cậu bé bất hạnh, khuôn mặt Hiếu rạng ngời. Vì đạp xe đạp từ trường về nhà nên người Hiếu ướt đẫm mồ hôi.

Với đôi bàn tay bằng nhựa, Hiếu vẽ nên ước mơ làm họa sĩ khiến ai cũng xúc động. Ảnh: Báo Thanh niên

Chia sẻ về quãng thời gian cơ cực đó, Hiếu cho hay: “Khi xảy ra sự việc, biết mình bị mất đôi tay, em đã khóc rất nhiều. Sau khi từ viện về nhà, em hay cáu gắt bởi bị hạn chế trong sinh hoạt. Hơn nữa, từ nhỏ, em đã hiếu động, nghịch ngợm nên khi sự cố xảy ra, với em là một cú sốc lớn. Thêm vào đó, 1 năm trời không được đến lớp, không được vui chơi với bạn bè khiến em rất buồn bực”.

Nhưng bất hạnh chưa dừng lại ở đó. Trong 1 lần nằm võng, tai nạn lại xảy ra với em. Hôm ấy, Hiếu bị ngã gãy chân. Vợ chồng ông Nhì lại đưa Hiếu đến bệnh viện bắt thêm 8 con vít vào chân trái. Thời điểm này, em hoàn toàn không đi lại được, không cử động được.

“Phải mấy tháng sau, Hiếu mới khỏe lên chút xíu. Tôi hiểu được con đang nghĩ gì khi nhìn vào mắt cháu. Biết con muốn đi học, muốn rong chơi với bạn bè, tim tôi đau như cắt. Nhiều đêm, 2 vợ chồng tựa lưng vào nhau mà khóc nghẹn vì thương con. Thế rồi, vừa động viên con, tôi nghĩ ra cách chế bàn tay cho con được đi học”, ông Nhì cắn chặt môi kể lại với chúng tôi.

Cũng theo lời ông Nhì, Hiếu rất thích vẽ nên điều đầu tiên là phải giúp con cầm được cây viết. Thử cách này, cách kia không được ông bèn lấy ống nước nhựa đục 2 lỗ luồn cây bút qua rồi gắn ống nhựa vào cùi tay Hiếu. Nghe cha kể, Hiếu nhanh nhẹn lấy trong cặp sách ra đôi tay nhựa của mình rồi hí hoáy viết cho chúng tôi xem. Những con chữ tròn trịa, nắn nón đẹp đến lạ thường. Em kể: “Lúc đầu mang tay nhựa, em không sao viết được vì rất khó điều khiển. Em viết chữ “A” thì thành chữ “O”. Chữ to, chữ nhỏ lên xuống rất xấu. Nhiều lúc muốn khóc luôn. Đến giờ em viết được rồi, trên lớp em cũng chép bài kịp các bạn hay vẽ những hình ảnh mà em thích”.

Chia sẻ tiếp với PV, Hiếu nói, khi mới viết được bằng chân, em rất vui nhưng tự hiểu chặng đường trở lại trường học vẫn vô cùng gian nan. Sau hai vụ tai nạn, chân em trở nên yếu ớt, vụng về. Em không thể tự đi được mà phải nhờ cha ẵm bồng. Rồi cùng với thời gian, cậu bé đứng dậy tập đi. Sau khi đi lại được, Hiếu lại tập đi xe đạp. “Hồi đó, cứ chiều chiều là ba thằng Hiếu dắt nó ra tập xe đạp. Nó không có tay nên cầm tay lái rất khó. Ba nó chạy phía sau giữ xe, vừa hô: “Cố lên con trai”. Nó đạp xe loạng choạng vậy mà giờ cũng tự đi được. Ai cũng xót xa nhưng đều cảm phục nghị lực của cháu Hiếu”, ông Lê Văn Hoa (SN 1968, người địa phương) chia sẻ. Nói về dự định cho tương lai, Hiếu quay sang nhìn ba, rồi lại cúi xuống nhìn đôi bàn tay của mình. Hiếu trình bày: “Từ nhỏ em đã ước mơ trở thành họa sĩ, nhưng không may sau vụ tai nạn, em bị cụt mất đôi tay. Từ ngày được cha làm cho cây bút này, em quyết tâm sẽ cố gắng học thật giỏi và tập vẽ thật đẹp để sau này trở thành một họa sĩ. Hồi đó, thấy tay em như vậy, bạn bè cũng hay trêu chọc em. Nhưng giờ, bạn bè và thầy cô thương em lắm”.

Theo thông tin chúng tôi có được từ chính quyền khu phố 5 (thị trấn Ái Nghĩa) thì thời gian qua, do dốc hết gia sản lo cho sức khỏe của Hiếu nên hiện cuộc sống của ông bà Nhì rất khó khăn. “Gia đình ông Nhì chủ yếu làm nông. Tuy vất vả nhưng họ vẫn lo lắng cho cháu Hiếu được ăn học tử tế”, vị đại diện khu phố 5 thông tin.

Tấm gương sáng để bạn bè noi theo

Nói về cậu học trò nhỏ của mình, thầy Trần Hữu Nghị, giáo viên Tổng phụ trách trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa) tự hào chia sẻ: “Hiếu là một học trò chăm ngoan và hiếu học nhất mà tôi từng gặp. Mặc dù bị mất 2 bàn tay nhưng em rất nỗ lực để không thua kém bạn bè. Thời gian qua, nhà trường cũng tạo điều kiện, giúp đỡ động viên và tiếp sức để em tiếp tục đến lớp thực hiện ước mơ của mình. Hiếu xứng đáng là 1 tấm gương sáng để bạn bè cùng trang lứa học hỏi, noi theo”.

NHÂM THÂN

[mecloud]hJ8VWhKumD[/mecloud]

Tin nổi bật