Ngày 20/7, Washington Post đưa tin quân đội Ukraine đang đối mặt với việc thiếu hụt phụ tùng thay thế cho các xe chiến đấu Bradley do Mỹ viện trợ. Tờ báo này dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho hay, khoảng 12 chiếc Bradley mà Washington gửi đến Kiev bị hư hại đến mức không thể sửa chữa được.
Một số thành viên giấu tên thuộc lực lượng Ukraine nói rằng, các bãi mìn rộng lớn của Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với phương tiện chiến đấu của họ. 6 chiếc Bradley cần sửa chữa được nhìn thấy tại một địa điểm gần tiền tuyến ở vùng Zaporozhye.
Quân đội Ukraine đã đặt ra yêu cầu về phụ tùng thay thế đối với các chỉ huy của họ nhưng nguồn dự trữ phụ tùng này cũng hạn chế. Theo Washington Post, các binh sĩ Ukraine thường buộc phải tháo dỡ những chiếc Bradley hư hỏng nặng và tận dụng phụ tùng còn hoạt động để sửa chữa phương tiện ít hư hại hơn.
Hình ảnh "sát thủ diệt tăng" Bradley. Ảnh: RT
Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên chia sẻ với Washington Post rằng, ông không biết bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc cung cấp phụ tùng thay thế từ kho dự trữ của Mỹ.
Ông phỏng đoán, chuỗi cung ứng của Ukraine có khả năng tồn tại nhiều điểm tắc nghẽn. Vị quan chức này cũng xác nhận tính đến nay, khoảng 12 chiếc xe chiến đấu Bradleys đã bị phá hủy.
Washington Post lưu ý, công ty nghiên cứu quân sự Oryx đã thống kê được hàng chục đơn vị phần cứng do Mỹ sản xuất bị thiệt hại ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau kể từ khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công vào đầu tháng 6.
Quan chức Mỹ giấu tên cho biết, hơn một nửa trong số 190 phương tiện chiến đấu mà Washington cam kết cung cấp cho Kiev đã đến tay quân đội Ukraine. Bradley là một phương tiện bọc thép hạng nhẹ được điều khiển bởi tổ lái 3 người, có thể chở thêm 6 binh sĩ. Phương tiện này được trang bị pháo tự động 25mm và tên lửa chống tăng TOW.
XEM THÊM: Mỹ yêu cầu Triều Tiên trao trả binh sĩ vượt biên
Theo RT, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định cung cấp khí tài cho Ukraine vào tháng 1/2023, Lầu Năm Góc đã mô tả Bradley là “sát thủ diệt tăng” và tuyên bố xe sở hữu “mức hỏa lực và lớp bọc sắt có thể đem lại lợi thế trên chiến trường”.
Trong khi đó, Nga lại cảnh báo tất cả phương tiện bọc sắt do phương Tây cung cấp sẽ bị phá hủy, đồng thời cho rằng các gói viện trợ xe tăng và vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột một cách không cần thiết.
Đinh Kim (Theo RT)