Trao đổi với Sputnik, cựu quân nhân Mỹ Mark Sleboda - nhà phân tích về an ninh và các vấn đề quốc tế cho hay, quân đội Nga có lợi thế rõ ràng trong cuộc xung đột “tiêu hao” đang diễn ra ở Ukraine, bởi Moscow nhanh chóng bổ sung vũ khí tiên tiến và nâng cấp, trong khi quân đội Ukraine đang phải vật lộn để vận hành “hỗn hợp” các thiết bị cũ của NATO.
Các đơn vị Nga chiến đấu ở khu vực Zaporozhye trong chiến dịch quân sự đặc biệt đã được cung cấp xe tăng T-80BVM nâng cấp. Được biết, mẫu xe bọc thép này sở hữu hệ thống thông tin liên lạc mới cùng các mô-đun bọc thép bổ sung, giúp xe chống lại các cuộc tấn công từ máy bay không người lái và tên lửa chống tăng.
Ở bên kia chiến tuyến, đã có những lời phàn nàn về hiệu suất kém của những chiếc xe tăng Leopard. Hóa ra, rất ít xe tăng Leopard 1 và Leopard 2 mà Đức chuyển giao cho Ukraine được triển khai. Những vấn đề nan giải về hậu cần và phụ tùng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhà phân tích Mark Sleboda nhận định, Ukraine có rất ít khả năng giành chiến thắng trong một cuộc xung đột “tiêu hao” với những thiết bị như vậy.
Hình ảnh xe tăng T-80 được cải tạo của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 200 thuộc nhóm chiến đấu phía Nam ở khu vực gần Soledar, Donetsk hồi tháng 6/2023. Ảnh: Sputnik
“Trong cuộc xung đột này, Nga đang sử dụng mẫu xe tăng hiện đại nhất, thường xuyên được triển khai trên chiến trường là T-90 Proryv. Họ cũng nhận được hàng trăm xe tăng mới chất lượng như vậy mỗi năm”, ông nói.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm: “Mặc dù hai phía đều đang sử dụng các mẫu xe tăng nâng cấp nhưng trên thực tế, hầu hết những xe tăng Leopard mà Kiev nhận được là Leopard 1 được nâng cấp từ những năm 1950.
Họ chỉ có vài chục chiếc Leopard 2A6 và 2A4 hiện đại hơn. Trong khi đó, T-80BVM của Nga được nâng cấp sâu, được đánh giá sánh ngang những mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của phương Tây hiện nay”.
Theo nhà phân tích Mark Sleboda, nâng cấp đáng chú ý nhất của T-80BVM mới là các bộ phận chống máy bay không người lái. Đây là hệ thống tác chiến điện tử được trang bị riêng cho từng xe tăng nhằm giúp gây nhiễu, ngăn chặn máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), cũng như cuộc tấn công của các máy bay không người lái khác nhằm vào phương tiện. Các báo báo từ chiến trường cho thấy, hệ thống này hoạt động khá hiệu quả.
“Nga không gặp phải những vấn đề về hậu cần với xe tăng giống như Ukraine. Điểm mấu chốt là Nga đang tự sản xuất xe tăng. Họ có phụ tùng thay thế nên có thể sửa chữa xe bọc thép của mình. Ngoài ra, Nga sở hữu số lượng máy móc cũ cực lớn để nâng cấp. Trên hết, quân đội Nga đã được huấn luyện chuyên sâu để vận hành những xe tăng đó”, nhà phân tích Mark Sleboda cho biết.
Trong khi đó, theo nhà phân tích Mark Sleboda, Ukraine đang bị “mắc kẹt” với hàng chục loại thiết giáp khác nhau, bao gồm một vài xe tăng Challenger, một vài chiếc Abrams, một vài chiếc Leopard 2 và khoảng một trăm chiếc Leopard 1.
“Lực lượng Ukraine không thể vận hành một cách hiệu quả bởi không có nhân sự được đào tạo, chưa kể đến việc duy trì các phương tiện này và chuỗi cung ứng linh kiện cho chúng. Vấn đề hậu cần thực sự là rào cản rất nghiệm trọng đối với Ukraine, trong khi Nga không phải đối mặt với điều này”, nhà phân tích Mark Sleboda nói.
XEM THÊM: Động thái quả quyết của Ukraine sau khi Nga đăng tải clip vụ rơi máy bay quân sự chở tù binh
Hồi tháng 3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow sẽ sản xuất hơn 1.600 xe tăng mỗi năm và tổng số phương tiện chiến đấu này của Nga sẽ gấp ba lần số lượng thiết bị tương tự mà Ukraine sở hữu.
Một cuộc xung đột tiêu hao có nghĩa là phá hủy năng lực chiến đấu, khả năng bổ sung vũ khí và nguồn thay thế nhân lực tổn thất trên chiến trường. Theo nhận định trên Sputnik, hiện tại Ukraine dường như không có nhiều cơ hội chiếm ưu thế trong cuộc xung đột như vậy, khi chịu tổn thất lớn trên chiến trường, nguồn cung cấp quân sự từ phương Tây không ổn định và không có khả năng triển khai sản xuất quân sự toàn diện trong nước.
Đinh Kim (Theo Sputnik)