Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ukraine đưa ra tuyên bố về khả năng đàm phán trực tiếp với Nga

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Theo Tổng thống Zelensky, các cuộc đàm phán hòa bình khả thi duy nhất sẽ dựa trên công thức hòa bình của Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với The Philadelphia Inquirer được công bố hôm 30/6, khi được hỏi liệu Ukraine có thể đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không, Tổng thống Zelensky chỉ nêu một mô hình đàm phán: một thỏa thuận ba bên với các bên trung gian hòa giải, như từng được áp dụng đối với hành lang ngũ cốc, thông tin trên báo Dân Trí

"Ukraine có thể tìm ra mô hình để phát triển các giải pháp. Mô hình này ban đầu được áp dụng cho hành lang ngũ cốc, khi Ukraine đạt được thỏa thuận với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải với Nga. Họ đưa ra cam kết đàm phán với chúng tôi, sau đó ký kết thỏa thuận tương tự với Nga. Và điều này đã thành công: Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được hai thỏa thuận tương tự nhau...", ông Zelensky nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận ngũ cốc đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu việc tăng giá lương thực toàn cầu, một phần do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, bằng cách cho phép Kiev xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp qua Biển Đen bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra.

Nga đã rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, khiến thỏa thuận này sụp đổ, vào tháng 7/2023. Thỏa thuận này là kết quả của các cuộc đàm phán ba bên, trong đó Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc, trong khi Nga cũng ký các thỏa thuận tương ứng cùng các bên trung gian.

Khi được hỏi liệu Ukraine có thể tiến hành đàm phán trực tiếp với Nga hay không, Tổng thống Zelensky cho biết mô hình này có thể được áp dụng cho các vấn đề như toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và vận tải.

"Khi các quốc gia từ các châu lục khác nhau đang xây dựng giải pháp cho một tình huống cụ thể, một mô hình có thể chấp nhận được và có thể được sử dụng trong các vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và vận tải biển. Sau đó, nếu phù hợp với Ukraine, mô hình này phải có sự tham gia của các đại diện từ Nga", ông Zelensky nói thêm.

Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, các cuộc đàm phán hòa bình khả thi duy nhất sẽ dựa trên công thức hòa bình của Ukraine, trong đó kêu gọi Nga rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine và trả tiền bồi thường, cùng các điểm khác.

"Bất kỳ hình thức đàm phán hòa bình nào khác với Nga sẽ không kết thúc chiến tranh, mà còn kích động hành vi gây hấn lãnh thổ hơn nữa, trong khi ngừng bắn là lựa chọn tốt nhất cho Nga để họ có thể chuẩn bị cho nhiều hoạt động tấn công hơn nữa", ông Zelensky nói.

"Nếu ý tưởng đưa ra là chúng tôi phải từ bỏ lãnh thổ của mình, thì chúng tôi sẽ không làm như vậy. Ý tưởng đó sẽ không giải quyết được vấn đề", ông Zelensky tuyên bố.

Vào cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga.

Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh cho nước này. Nga đã bác bỏ và xem các điều kiện này của Ukraine là phi thực tế.

Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, nhưng với điều kiện phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến các lợi ích an ninh của Nga .

Ngày 13/6 vừa qua, Tổng thống Putin cũng đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó có việc công nhận bán đảo Crimea, "Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk" tự xưng là các khu vực của Nga và việc Ukraine duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân. Tuy nhiên, đề xuất này của Nga cũng bị Ukraine bác bỏ, theo VOV.

Tin nổi bật