Theo VietNamNet, phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha đã vạch ra các lằn ranh đỏ trong đàm phán hòa bình và tuyên bố Ukraine sẽ không chấp nhận "hòa bình bằng mọi giá".
"Đầu tiên, chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận các vùng lãnh thổ đã mất của Ukraine là lãnh thổ của Nga. Thứ hai, Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào về cấu trúc hoặc quy mô của lực lượng vũ trang, không hạn chế ngành công nghiệp vũ khí hoặc sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh và sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ukraine.
Thứ ba, chúng tôi không chấp nhận bất kỳ sự hạn chế nào đối với chủ quyền, chính sách đối nội hay đối ngoại của Ukraine, gồm cả việc lựa chọn liên minh và khối mà chúng muốn tham gia", ông Sybiha tuyên bố.
Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh, hiện tại, ngay cả khi các đối tác liên minh không đồng thuận về tư cách thành viên NATO thì nước này vẫn tiếp tục hướng tới mục tiêu này trong tương lai. Trong bối cảnh đó, ông khẳng định rằng Nga hay bất cứ quốc gia nào khác không có quyền phủ quyết với sự lựa chọn của Ukraine.
Trong khi đó, theo Dân trí, một quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ "đang cố gắng phối hợp một số hành động trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga". Tuy nhiên, gói trừng phạt này sẽ phải trình lên Tổng thống Donald Trump ký.
"Đó hoàn toàn là quyết định của tổng thống", một quan chức Mỹ thứ hai xác nhận. Các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào ngành năng lượng của Nga, bao gồm tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom do nhà nước Nga sở hữu. Các thực thể lớn trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và ngân hàng của Nga cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham tuần này cho biết đã giành được sự ủng hộ rộng rãi tại Thượng viện Mỹ cho một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga và áp thuế cao với các quốc gia mua những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Moscow.
Phát biểu với truyền thông hôm 30/4, ông Graham khẳng định mục tiêu của mình là hỗ trợ Tổng thống Trump trong đàm phán với Nga về khả năng đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Trong vài tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Trump đã có cách tiếp cận thân thiện hơn với Nga so với người tiền nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, ông Trump được cho là ngày càng thất vọng với cả Nga và Ukraine, trong khi giới chức Mỹ liên tục đưa ra "tối hậu thư" về đàm phán hòa bình.
Gần đây, ông chủ Nhà Trắng đã đặt câu hỏi về ý định đạt được hòa bình của Tổng thống Putin, trong bối cảnh Nga vẫn tiếp tục tập kích các mục tiêu ở Ukraine. Cả Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio đều cảnh báo Mỹ sẽ rút nỗ lực trung gian đàm phán hòa bình nếu không nhận thấy dấu hiệu rõ ràng nào về việc các bên đạt được thỏa thuận.