Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn trương khắc phục sạt lở bờ kè Thanh Đa, quận Bình Thạnh

  • Bảo An
(DS&PL) -

Hiện trạng sạt lở tại khu vực bờ kè Thanh Đa (đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh) đang ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương suốt thời gian qua. Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương có biện pháp khắc phục, hỗ trợ người dân.

Hiện trạng sạt lở khu vực bờ kè Thanh Đa đang diễn ra nghiêm trọng, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Khu vực sạt lở cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m, thượng lưu 120m.

Độ lún và chuyển vị đỉnh kè quá lớn đã làm mất ổn định công trình, phá vỡ các kết cấu chính. Hiện diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngôi nhà dân dọc theo tuyến kè. Nhiều đoạn nền nhà bị sụt lún, nứt nẻ, một số căn ngoài rìa bờ kênh bị sóng đánh toạc "hở hàm ếch".

Nhiều hộ dân sống trong một số hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngày đêm sống trong lo sợ, bất an. Ông Nguyễn Văn Tư (69 tuổi) bồn chồn nhìn về phía cuối nhà cho biết, gia đình ông có 10 người cùng sống trong 3 căn nhà liền kề nhau tại khu vực này. "Gia đình tôi đã sinh sống ba đời ở đây nhưng do lo sợ việc sạt lở còn tiếp diễn nên không dám sửa sang, dựng lại nhà", ông Tư chia sẻ trên báo VietNamnet.

Trước tình trạng nghiêm trọng, gây mất an toàn đến đời sống của người dân, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi UBND quận Bình Thạnh, Sở GTVT TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai... về phương án khắc phục sạt lở kè kênh Thanh Đa, đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh.

Theo nội dung chỉ đạo, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao UBND quận Bình Thạnh (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh) làm chủ đầu tư thực hiện dự án Xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa. Đồng thời, UBND quận Bình Thạnh phối hợp với Sở GTVT đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực, UBND quận Bình Thạnh cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu các biện pháp như tổ chức lực lượng canh giữ không để sạt lở gây thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân trong khu vực; lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình cấp thẩm quyền phê duyệt sớm bàn giao mặt bằng thi công; chủ đầu tư cam kết đẩy nhanh tiến độ khắc phục chậm triển khai dự án theo phản ánh của người dân trong 4 tháng qua.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính ưu tiên bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 và vốn chuẩn bị đầu tư năm 2024 để đảm bảo dự án hoàn thành đúng thời gian quy định.

UBND TP cũng yêu cầu UBND quận Bình Thạnh chịu trách nhiệm kiểm tra và chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khu vực sạt lở và những vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, phòng chống sạt lở, ngập úng.

Hiện tại các công trình kè lân cận trên kênh Thanh Đa đoạn 1.2, 1.3, 1.4 (có kết cấu như đoạn 1.1 nêu trên) vẫn được khai thác ổn định, do phạm vi nhà dân nằm cách đỉnh kè 10m trở lên. 

Nguồn tin trên báo Tiền phong, tính đến nay, UBND quận Bình Thạnh đã tổ chức thực hiện việc di dời, tháo dỡ 15 hộ dân nằm trong phạm vi nguy cơ sạt lở nguy hiểm, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định. Đồng thời tiếp tục rào chắn khu vực sụt lún không cho người dân đi lại để đảm bảo an toàn.

Thông tin từ Sở GTVT TP.HCM để xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa - đoạn 1.1, với chiều dài gần 500 m, với phạm vi giải tỏa mặt bằng của dự án là 10 m tính từ đỉnh kè vào phía bờ. Dự kiến tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỷ đồng. Bao gồm xây dựng kè kiên cố, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh, không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thay thế công trình kè mềm hiện hữu.

Thành phố đã lên kế hoạch khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại khu vực kè Thanh Đa.

Trước đó, UBND quận Bình Thạnh đã báo cáo diễn biến tình hình sụt lún, sạt lở kè Thanh Đa và ảnh hưởng khu vực có nguy cơ sạt lở. Cụ thể, từ cuối tháng 6, đoạn kè Thanh Đa nêu trên bị sụt lún gần 1m, dài 120m. Rãnh thoát nước dọc đường ven kênh cũng bị gãy. Bờ kè và lan can bị đẩy ra phía ngoài kênh Thanh Đa gần 1m và tiếp tục có nguy cơ sạt rộng.

Người dân trong khu vực chật vật khi chiều cường đạt đỉnh

Sở GTVT TP.HCM cho biết, cũng tại khu vực này, vào năm 2005 đã xảy ra sạt lở nguy hiểm, nên UBND TP đã chỉ đạo xây dựng công trình kè nhằm bảo vệ tài sản của người dân và hạ tầng khu vực từ năm 2007 và đưa vào sử dụng một năm sau.

Ảnh: Tiền phong, VietNamnet, Lao động, Tuổi trẻ

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật