Mới đây, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố TS.BS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện số ca mắc sởi tại thành phố đang gia tăng. Tính đến nay, thành phố ghi nhận 432 ca, trong đó đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi (gồm 2 ca của thành phố và 1 ca của tỉnh) là những trẻ có bệnh bẩm sinh.
Theo TS.BS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu, số ca sởi ở thành phố đang tăng nhanh ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 73,2%) và có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn. Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của thành phố. Hiện nay tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh sởi ở TP.HCM chưa đạt 95%, nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tại buổi làm việc về công tác về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện bệnh viện đang điều trị cho 38 trường hợp sởi, trong đó có 4 trường hợp nặng. Từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 368 trường hợp mắc bệnh sởi; trong đó, số ca nặng phải nằm ở khoa Hồi sức và cấp cứu chiếm 28,2%. Đa số bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi.
Qua phân tích của bệnh viện, trẻ nhập viện trong độ tuổi dưới 9 tháng chiếm 31,2%; trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi chiếm 23,3%; trẻ từ 12 - 60 tháng tuổi chiếm 35,5%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong số bệnh nhân nằm ở khoa Hồi sức nhiễm không có bệnh nhi nào tiêm đủ hai mũi vaccine sởi, trong đó chưa chích ngừa mũi nào lên đến 85%.
“Trước tháng 6/2024, bệnh viện không ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc sởi khám và điều trị. Tuy nhiên, từ tháng 7/2024, số bệnh nhân đến khám và nhập viện do sởi tăng rất cao, tăng cao nhất là từ đầu tháng 8 đến nay”, TS.BS. Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.
Lý giải số ca mắc sởi gia tăng trong thời gian qua, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm, kết quả kiểm tra huyết thanh của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho thấy, tỉ lệ mẫu có kháng thể IgG luôn thấp dưới ngưỡng 95%. Tỉ lệ dương tính với kháng thể IgG có xu hướng thấp hơn ở nhóm 5 - 15 tuổi, có thể do sự suy giảm nồng độ kháng thể theo thời gian hoặc chưa tiêm đủ vaccine. Kết quả điều tra kháng thể giải thích sự gia tăng số ca bệnh sởi trong thời gian qua trên địa bàn thành phố, cũng như sự xuất hiện của các ca bệnh ở nhóm trẻ lớn tuổi.
TS.BS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, dự báo thời gian tới thời tiết mát cùng với mùa tựu trường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lây lan. Nếu không triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch sẽ tiếp tục gia tăng. Bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine, cần giảm áp các bệnh nhi từ tuyến dưới lên TP.HCM để tránh quá tải. Kiểm soát phòng, chống dịch ngay trong bệnh viện để chống lây lan.
Ông Nguyễn Vũ Thượng phân tích thêm, số ca mắc tại TP.HCM tập trung chủ yếu là những quận, huyện vùng ven. Đây cũng là nơi có khu nhà trọ và công nhân nhiều. Cụ thể, trên địa bàn huyện Bình Chánh có gần 120 ca mắc sởi, quận Bình Tân có gần 100 ca mắc và huyện Hóc Môn có gần 30 ca mắc.
Bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu.
Bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hầu hết các ca sởi điều trị tại thành phố đều ở các quận, huyện vùng ven và các tỉnh, thành. Do đó, trong bối cảnh thành phố đã công bố dịch sởi; đồng thời đề nghị ngành Y tế thành phố bên cạnh tăng cường tiêm vaccine sởi cho trẻ, cần quan tâm tiêm vaccine vòng ngoài. Đây là cơ hội để dập dịch trong Thành phố và bảo vệ vòng ngoài cho trẻ nguy cơ ở các tỉnh xung quanh nơi có dịch.
Ngoài ra, cần phối hợp tuyên truyền phát hiện dấu hiệu sởi; các trường học tập huấn cho thầy cô chủ nhiệm, bảo mẫu theo dõi, phát hiện sớm biểu hiện trẻ mắc sởi, đặc biệt là thời điểm bắt đầu nhập học.
Bà Trần Thị Diệu Thuý cũng kiến nghị Bộ Y tế tổ chức tiêm vaccine sởi cho các tỉnh, thành lân cận để giảm áp lực cho thành phố, từ đó kiểm soát dịch tốt hơn.
Cũng tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao thành phố đã chủ động sẵn sàng kế hoạch, phương án ứng phó với dịch sởi. Đồng thời, triển khai đồng bộ và cơ bản các giải pháp về công tác phòng, chống dịch, phân luồng, cách ly để giảm khả năng lây nhiễm của bệnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhận thấy thành phố gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch như biến động dân cư; số lượng dân đông với nhiều khu công nghiệp, nhà trọ; tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng còn thấp trong khi đó thời gian ủ bệnh của bệnh sởi kéo dài. Qua đó, nếu không giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ thì sẽ dẫn đến không kiểm soát được dịch bệnh một cách triệt để.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra công tác phân luồng, sàng lọc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng, chống dịch sởi, tạo miễn dịch cộng đồng; Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, thời gian tới, Thành phố tập trung thực hiện biện pháp phòng chống dịch sởi, tiếp tục nghiên cứu triển khai Luật Phòng thủ dân sự; chỉ đạo chính quyền các địa phương về công tác phòng, chống dịch để kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị thành phố tiếp tục giám sát và phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tăng cường công tác truyền thông tại các nơi công cộng; truyền thông để phòng, chống dịch nhưng không gây hoang mang cho người dân vì đây là bệnh truyền nhiễm nhóm B; đồng thời đề nghị các cơ sở y tế sẵn sàng về trang thiết bị, nhân lực, thuốc; đặc biệt công tác phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện.