Thông tin tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Hà Nội (HANU) không có thông tin về quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn Ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp xét tuyển. Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ được dùng làm điều kiện ưu tiên xét tuyển kết hợp.
Nhà trường cũng lưu ý tất cả thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường đều bắt buộc phải đăng ký và tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với các môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành học đăng ký. Thí sinh cần đạt mức điểm tối thiểu (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) do nhà trường quy định.
HANU không chấp nhận sử dụng điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Ngoại ngữ.
Trong quy định về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển kết hợp, Trường Đại học Hà Nội công bố bảng quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm cộng khuyến khích. Mức điểm cộng dao động 1-4 điểm.
Theo đó, thí sinh có IELTS 6.0 được cộng 1 điểm, 6.5 được cộng 2 điểm, 7.0-7.5 được cộng 3 điểm và 8.0 trở lên được cộng 4 điểm. Với chứng chỉ SAT, thí sinh đạt 1.100 được cộng 1 điểm, trên 1.420 được cộng 4 điểm.
Năm 2025, nhà trường áp dụng 3 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển kết hợp theo quy định của Trường Đại học Hà Nội; Xét kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tương tự, theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, không có thông tin về quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn Ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp xét tuyển.
Nhà trường chỉ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm điều kiện ưu tiên xét tuyển, dành cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS/TOEFL iBT/TOEIC; DELF/TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ Tin học quốc tế MOS (đối với cả ba kỹ năng Word, Excel, PowerPoint); ngày cấp chứng chỉ không quá 2 năm tính đến ngày 19/5/2025.
Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.
Theo phương hướng tuyển sinh, mở ngành, chính sách học phí, hỗ trợ người học năm 2025, Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển sinh đại học chính quy khoảng 2.650 chỉ tiêu (tăng khoảng 150 chỉ tiêu so với năm ngoái).
Trường Đại học Luật Hà Nội không có thông tin về bảng quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ của trường.
Về phương thức tuyển sinh, nhà trường dự kiến xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập của bậc trung học phổ thông đối với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (kết quả cả năm lớp 10, cả năm lớp 11, cả năm lớp 12); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều trường đại học thay đổi cách tính điểm IELTS. Ảnh minh họa: Thanh niên
Năm 2025, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng chỉ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm điều kiện ưu tiên xét tuyển, dành cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh theo quy định đạt điểm IELTS từ 6.0, đăng ký xét tuyển chương trình tiên tiến ngành Kiến trúc của trường sẽ được được xét cộng điểm ưu tiên xét tuyển vào tổ hợp môn xét tuyển, nhưng không vượt quá mức điểm tối đa của thang điểm.
Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội áp dụng 5 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu; Xét học bạ; Xét tuyển hồ sơ kết hợp phỏng vấn trực tiếp theo quy định của trường đối tác đối với các chương trình liên kết quốc tế.
Chia sẻ trên báo Dân trí, chị H. (42 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đầy lo lắng: "Cả lớp con tôi gần 50 cháu đều rủ nhau đi thi IELTS từ năm lớp 11. Dù biết có rủi ro nếu các trường đại học thay đổi chính sách, gia đình vẫn chấp nhận đầu tư lớn".
Tuần rồi, thông tin nhiều trường đại học không còn tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS khiến chị không khỏi bất an cho tương lai của con. Chị nói, năm tới, con chị sẽ bước vào đại học, song, với quy chế tuyển sinh liên tục thay đổi đôi khi không kịp chuẩn bị.
Cũng theo chị H., tâm lý có IELTS điểm cao là chắc suất vào đại học đã ăn sâu vào nhiều học sinh từ vài năm nay. Khi đạt được điểm số mong muốn, các em thường xao nhãng việc học các môn khác.
Việc các trường chuyển hướng, chỉ dùng IELTS để cộng điểm, khiến không ít học sinh lớp 12 "tá hỏa" quay lại học "chạy đua" với các môn thi tốt nghiệp THPT.
Người mẹ thừa nhận, áp lực để con được vào trường đại học ưng ý khiến phụ huynh tìm mọi cách dù chấp nhận đầu tư thời gian và khoản tiền lớn cho con đi học và thi chứng chỉ IELTS dù có thể rủi ro nếu các trường đại học thay đổi chính sách tuyển sinh.
Việc các trường chuyển hướng, chỉ dùng IELTS để cộng điểm, khiến không ít học sinh lớp 12 "tá hỏa" quay lại học "chạy đua" với các môn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: TTXVN
Cùng chung nỗi lo, chị Anh Đ., có con học lớp 12 tại huyện Đông Anh, Hà Nội cho hay con chị mấy tháng nay phải học thêm cật lực các môn để thi tốt nghiệp vì trước đó chủ quan, nghĩ rằng có chứng chỉ IELTS là sẽ được tuyển thẳng.
"Con tôi muốn vào trường công an, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ. Nay 2/3 trường không dành nhiều ưu tiên cho chứng chỉ tiếng Anh nữa, nên phải vừa kết hợp IELTS lẫn điểm thi cũng phải thật tốt mới đạt. Đứa sau, tôi phải cân bằng việc học tập trên lớp và học tiếng Anh chứ không nghiêng về một phía được", chị Đ. nói.