Hàng loạt trường mở ngành Thiết kế vi mạch
Thông tin trên báo VnExpress, năm nay là lần đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn và trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), Phenikaa, FPT tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Vi điện tử - Thiết kế vi mạch. Ngoài ra, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội công bố mở ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.
Trong đó, trường Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn thu hút thí sinh đăng ký ngành này bằng học bổng 50-100% học phí trong năm đầu. Điều kiện là thí sinh đạt 24 điểm thi tốt nghiệp trở lên, theo tổ hợp xét tuyển.
Cuối năm ngoái, ba trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM là Bách khoa, Công nghệ thông tin và Khoa học tự nhiên cũng được phê duyệt mở nhóm ngành Thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.
Tuyển sinh 2024 "nở rộ" các ngành học mới. Ảnh minh họa
Theo báo Dân trí, tại hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam được tổ chức cuối tháng 10 năm ngoái, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân cho biết đơn vị đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.
Trong giai đoạn 2023-2030, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.
Theo dự báo, khi hơn 200 trường đại học công bố thông tin tuyển sinh 2024, số lượng cơ sở giáo dục tuyển sinh ngành này sẽ tăng lên.
Thiết kế vi mạch bán dẫn có gì hot?
Các trường đại học cho rằng, năm 2024 là thời điểm thích hợp để tách chương trình này thành một chuyên ngành, tiến tới lập ngành riêng, nhằm "bắt" tín hiệu từ cơn khát nhân lực của thị trường và chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Hiện nay, hơn 50 công ty vi mạch hoạt động tại Việt Nam, tiêu biểu là Intel, Marvel, Synopsys, Ampe Computing (Mỹ), Renesas (Nhật), BridgeTek và Faraday Việt Nam (Đài Loan). Theo Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, tập trung tại TP HCM (74%), Hà Nội (10%), Đà Nẵng (8%).
Số này chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực, Việt Nam cần thêm 50.000 lao động trình độ cao từ nay tới năm 2030. Cộng đồng Vi mạch Việt Nam cho biết, trung bình lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng, sau tăng dần. Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng một năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 và 1,3 tỷ đồng nếu có 15-20 năm kinh nghiệm.
Học sinh tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: VnExpress
Báo Dân trí dẫn lời TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM (UIT) cho hay, ngành thiết kế vi mạch là một ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong công nghiệp công nghệ cao (hi-tech industry) để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao trên thế giới.
Các sản phẩm vi mạch do những kỹ sư tốt nghiệp ngành thiết kế vi mạch thực hiện là thiết bị lõi tích hợp trong các sản phẩm công nghệ như: Điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị giải trí trong gia đình, thiết bị gia dụng, thiết bị giải trí trong xe hơi, thiết bị điều khiển trong xe điện, thiết bị chuẩn đoán bệnh trong y khoa, thiết bị chăm sóc sức khỏe…
Sản phẩm vi mạch cũng có thể tích hợp trong các hệ thống tính toán hiệu năng cao (high performance computing - HPC), hệ thống tính toán trên cloud (cloud computing), hệ thống phân tích dữ liệu thông minh (AI data center).
Chung nhận định, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho hay công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành hoàn toàn mới.
Một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay và nội dung về thiết kế vi mạch bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính, vật lý kỹ thuật...
Thủy Tiên (T/h)