Ngày 6/8, các thí sinh trên cả nước đã hoàn thành việc thanh toán lệ phí xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc thời gian thanh toán lệ phí xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai công tác lọc ảo. Việc lọc ảo được thực hiện 6 lần trong khoảng thời gian từ ngày 13/8 đến 17h ngày 17/8/2024.
Ở mỗi lần lọc ảo, phần mềm xét tuyển sẽ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống. Căn cứ dữ liệu này, các trường sẽ điều chỉnh điểm chuẩn trúng tuyển và danh sách thí sinh cho sát với chỉ tiêu, rồi tải lên hệ thống để tiếp tục lọc.
Lần lọc ảo thứ 6 sẽ hoàn thành vào 16h ngày 17/8/2024. Các nhà trường sẽ tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần thứ 6 và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển.
Trước 17h ngày 17/8/2024, các trường sẽ nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đợt 1, năm 2024.
Hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ GD&ĐT nhằm bảo đảm mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất.
Theo nhận định của các chuyên gia, những ngành "hot" có thể sẽ không còn chỉ tiêu tuyển bổ sung. Ảnh minh họa: Hà Nội mới
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển đợt 1 chậm nhất là 17h ngày 19/8/2024.
Thông tin trên báo Dân trí, tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 230 trường đã công bố điểm sàn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm sàn các trường dao động 14-24,5 điểm, trong đó cao nhất ở các ngành thuộc lĩnh vực sư phạm và y khoa.
Ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Mở Hà Nội cũng dự kiến thông báo kết quả xét tuyển vào ngày 17 hoặc 18/8.
Nhiều trường khác như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông..., dự kiến có thể sang 19/8 mới công bố.
Theo báo Lao động, Trường Đại học Xây dựng dự kiến sẽ công bố điểm chuẩn chậm nhất là ngày 19/8.
Học viện Tài chính sẽ công bố điểm chuẩn năm 2024 của các phương thức xét tuyển gồm xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập THPT, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 và xét kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy vào cùng 1 thời điểm theo kế hoạch chung, chậm nhất ngày 19/8.
Thời điểm hiện tại dù chưa có kết quả xét tuyển chính thức của đợt 1, nhưng không ít thí sinh cũng như phụ huynh đang băn khoăn về việc có nên chờ đợi đợt xét tuyển bổ sung nếu trúng tuyển ngành/trường không mong muốn.
Có nên chờ xét bổ sung nếu trúng tuyển ngành chưa ưng? là băn khoăn của cả phụ huynh và nhiều học sinh. Ảnh minh họa: Thanh Niên
Chia sẻ với báo Thanh Niên trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?", thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết, Bộ GD&ĐT đã có thông báo khung thời gian cụ thể trong quy trình xét tuyển. Sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh trúng tuyển có quyền xác nhận hoặc không xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ. Nếu không xác nhận nhập học ở đợt 1, thí sinh có thể tiếp tục tham gia xét tuyển ở đợt bổ sung.
Tuy nhiên, nhận định chung tình hình năm nay, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên dự đoán các trường sẽ còn không nhiều chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung.
"Trong đó, những ngành nhiều thí sinh quan tâm có thể chỉ tiêu tuyển bổ sung không còn hoặc còn rất ít. Do đó, nếu đã trúng tuyển ngành đúng hoặc ngành gần ngành mong muốn nên xác nhận nhập học", thạc sĩ Nguyên khuyên.
Tương tự, thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Tuyển sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng cho biết năm nay, trường dự kiến xét tuyển nguyện vọng bổ sung tất cả các ngành cho đến cuối tháng 8.
Tuy nhiên, ông Trị cũng đưa ra lời khuyên: "Thí sinh không nên từ chối xác nhận nhập học đợt 1 nếu không vì một lý do thực sự cần thiết. Vì ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, điểm nhận hồ sơ luôn bằng hoặc cao hơn đợt 1".