Theo thông tin trên trang Ars Technica, trong cuộc họp báo tại Hawaii hôm 20/9, Tướng Chance Saltzman - người đứng đầu Lực lượng không gian Mỹ cho biết, lực lượng không gian của quân đội Mỹ đang đối mặt với các mối đe dọa từ một số nước, trong đó có Nga.
Đồng thời, Tướng Saltzman cũng nêu cách Washington có thể phản ứng trong trường hợp Moscow tấn công mạng băng thông rộng Starlink của SpaceX mà Ukraine sử dụng để kết nối Internet trong bối cảnh xảy ra xung đột với Nga.
Được biết, hồi tháng 10/2022, ông Konstantin Vorontsov - Cục phó Cục Kiểm soát và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết việc phương Tây sử dụng "các yếu tố cơ sở hạ tầng, thương mại trong không gian cho mục đích quân sự" là một "xu hướng cực kỳ nguy hiểm".
Cũng trong tháng 10/2022, Nga nói rằng nước này có thể bắn hạ các vệ tinh thương mại của phương Tây nếu chúng được sự dụng để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột.
Tướng Chance Saltzman - người đứng đầu Lực lượng không gian Mỹ. Ảnh: AFP/ Getty Images
Hôm 16/10, ông Vladimir Ermakov - Cục trưởng Cục Kiểm soát và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga một lần nữa cảnh báo, “các vệ tinh bán dân sự của phương Tây có thể là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa”.
Tướng Saltzman tuyên bố, Mỹ chắc chắn sẽ bảo vệ các vệ tinh thương mại của mình nếu chúng bị tấn công. Theo ông, trong một cuộc chiến hiện đại, “sẽ có các thực thể thương mại, tổ chức thương mại, lực lượng thương mại và tài sản bị cuốn vào”.
“Không gian không khác gì tuyến đường biển, cũng không khác gì giao thông hàng không dân dụng ở châu Âu hiện nay. Lịch sử Mỹ chứng minh rằng chúng tôi sẽ bảo vệ những thứ chúng tôi cần để thành công. Tôi tin lĩnh vực không gian không nằm ngoài phạm vi đó", Tướng Saltzman nói.
Newsweek đưa tin, giới chức Nga không nêu chi tiết công ty nào đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến thông qua công nghệ vệ tinh. Tuy nhiên, trong thời gian đầu của cuộc xung đột, SpaceX đã triển khai các vệ tinh Starlink để cung cấp dịch vụ Internet cho Kiev. Tỷ phú Elon Musk từng nói, hệ thống Internet vệ tinh Starlink của SpaceX đem đến cho Ukraine “lợi thế lớn trên chiến trường”.
Cho đến nay, công ty tư nhân này đã tài trợ một mạng lưới gần 4.000 vệ tinh sẽ được phòng lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Quân đội Ukraine sẽ sử dụng hệ thống Starlink để phục vụ việc liên lạc trên chiến trường.
Ảnh minh họa vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Getty
XEM THÊM: Hé lộ về cô dâu Việt được chọn làm “phi công quốc gia” ở Hàn Quốc
Hồi tháng 2/2023, ông Gwynne Shotwell - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành SpaceX, cho biết công ty đang ngăn chặn Kiev sử dụng mạng lưới này để điều khiển máy bay không người lái trong khu vực. Cũng theo ông Gwynne, dịch vụ này “không bao giờ được vũ khí hóa”.
Tỷ phú Elon Musk cũng từ chối cho phép Ukraine sử dụng dịch vụ Internet Starlink để tiến hành cuộc tấn công vào bán đảo Crimea, nhằm "tránh liên đới" tới một hành động leo thang xung đột.
Trong diễn biến liên quan, tháng 10/2022, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho hay, Mỹ sẽ “tiếp tục theo đuổi mọi biện pháp để ngăn chặn và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về bất cứ cuộc tấn công nào như vậy nếu xảy ra”.
Đinh Kim (Theo Newsweek)