Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, BSCKI Hà Tố Như, Bệnh viện An Việt (Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua bác sĩ tiếp nhận khám cho rất nhiều trẻ mắc tay chân miệng.
Trường hợp điển hình là bé trai N.N.L (9 tháng tuổi, tại Hà Nội), phụ huynh đưa con đến khám trong tình trạng bé sốt, bỏ ăn, chảy dãi… Kết quả thăm khám cho thấy bé đã bị tay chân miệng, đã xuất hiện những dấu hiệu ở miệng nhưng phụ huynh lại chưa nhận ra.
Theo chia sẻ từ phụ huynh, khoảng vài ngày trước, chị phát hiện những dấu hiệu của con. Tuy nhiên, ban đầu chị nghĩ đây là con sốt mọc răng nhưng các triệu chứng không khỏi kèm theo một số dấu hiệu khác lạ nên mới đưa con tới khám.
Thời gian vừa qua, rất nhiều trẻ mắc tay chân miệng
Theo nữ bác sĩ, thời điểm giao mùa Xuân Hè là khoảng thời gian lý tưởng cho nhiều bệnh lý ở trẻ trong đó có tay chân miệng. Đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi mầm non rất dễ bị lây nhau và có thể bùng phát thành các ổ dịch.
Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh rất dễ lây từ người này sang người khác.
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là loét miệng. Bệnh nhi sẽ xuất hiện các vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, đau miệng dẫn đến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt, trẻ quấy khóc. Một dấu hiệu đặc trưng khác là phát ban trên da dạng phỏng nước: Vị trí xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông tồn tại khoảng 1 tuần, sau đó sẽ để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Nếu được chăm sóc tốt, trẻ có thể khỏi bệnh sau 3-5 ngày điều trị. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trẻ gặp biến chứng nặng khi bị tay chân miệng vì thế phụ huynh không thể bỏ qua.
Những biến chứng nặng thường gặp có thể kể đến như viêm não, viêm não tủy, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch... Nguy hiểm nhất, trẻ bị tay chân miệng có thể tử vong.
BSCKI Hà Tố Như, Bệnh viện An Việt khám cho bệnh nhi
BSCKI Hà Tố Như cho biết hiện chưa có thuốc đặc trị tay chân miệng, vì thế chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Phụ huynh cũng cần lưu ý trong suốt quá trình trẻ bị bệnh để có những can thiệp sớm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
"Trẻ bị tay chân miệng khi xuất hiện các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ, thở nhanh, khó thở, mệt lả, nôn nhiều, đi loạng choạng, da tái, nổi vân tim, co giật, hôn mê... thì cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được điều trị", nữ bác sĩ nhấn mạnh.
Bác sĩ Như cũng chia sẻ, trước tình hình dịch bệnh khá phức tạp như hiện nay thì phụ huynh cần lưu ý những điểm sao chăm sóc và điều trị bệnh cho trẻ như: Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bệnh cần được cách ly Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân tránh bội nhiễm
Vệ sinh môi trường sống: Lau phòng ở của bệnh nhân, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.
Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
Người nhà hay nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, sau thăm khám...