Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tục cưới ba lần để gìn giữ tình cảm vợ chồng của người Khùa

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đối với người Khùa, chuyện vợ chồng lấy nhau phải tổ chức cưới nhau ba lần. Trải qua lần cưới đầu, họ chính thức trở thành vợ chồng.

(ĐSPL) - Đối với người Khùa, chuyện vợ chồng lấy nhau phải tổ chức cưới nhau ba lần. Trải qua lần cưới đầu, họ chính thức trở thành vợ chồng. Sau khi sống với nhau dưới một mái nhà, cứ đến một thời gian đã định, họ sẽ tổ chức những lần cưới tiếp theo. Có khi đến lần thứ ba, một trong hai người đã nằm dưới nấm mồ nhưng vẫn được tổ chức lễ cưới. Những tập tục này đã gắn với họ suốt bao đời nay.

Cưới lại để hàn gắn tình cảm gia đình

Trong chuyến công tác vùng cao tại huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình), chúng tôi được nghe anh cán bộ biên phòng kể về tục cưới ba lần ở vùng cao. Khác với những vùng khác, nơi đây tuy đời sống người dân còn rất nghèo nàn, nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, chính là tình cảm sắt son của của các vợ chồng.

Chúng tôi tìm đến bản Y Leng của người Khùa (thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa). Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc nằm sát con đường quốc lộ thông tới cửa khẩu Cha Lo. Điều đặc biệt khiến nhiều người đến đây phải ngưỡng mộ, là nghĩa vợ chồng rất được xem trọng.

Để rõ hơn, chúng tôi tìm đến gặp già làng Hồ Thoong (62 tuổi, ngụ tại bản Y Leng). Bản thân vị già làng này cũng từng cưới vợ ba lần. Trong thời gian khi lấy nhau đến giờ đã hơn bốn mươi năm, nhưng họ vẫn luôn hạnh phúc vui vẻ và sống với nhau cho tới bây giờ. Nghĩa vợ chồng họ luôn đặt lên hàng đầu. Nhìn sang vợ mình ngồi bên, là ánh mắt trìu mến thân thương của những người cùng nhau trải qua sóng gió. Họ vẫn cười, vẫn vui mỗi khi ai nhắc đến kỷ niệm tốt đẹp của vợ chồng già.

Những cặp vợ chồng của người dân trong bản đều cưới nhau ba lần. Đó là một nét đẹp văn hóa đáng tự hào của dân trong bản. Tình cảm dù có sứt mẻ thì đám cưới chính là dịp để họ hàn gắn lại tình cảm gia đình. Chính vì vậy nên ở vùng miền núi nằm trong núi sâu này, không bao giờ có hiện tượng bỏ nhau. Nhiều lúc gia đình nhà gái thấy gia đình nhà trai không có điều kiện, thì họ cũng sẵn sàng bỏ tiền tổ chức. Vì lúc này cũng đã trở thành người một nhà nên chuyện cưới lần hai, lần ba thường không quá cầu kỳ và bắt buộc, nếu như không đủ lễ vật. Tuy nhiên, chuyện cưới vợ ba lần dù trong hoàn cảnh nào vẫn được người dân nơi đây tổ chức, và trở thành thông lệ từ hàng trăm năm.

Vợ chồng ông Hồ Thoong và bà Hồ Thị Díp đã cưới nhau ba lần.

Cưới nhau ba lần mới trọn vẹn là đám cưới

Già làng Hồ Thoong cho biết, ở nơi đây, trong chuyện tình yêu, những đôi nam nữ được tự do chọn lựa hạnh phúc, không ép buộc. Nếu gia đình nào có con trai con gái lớn lên, đến tuổi lấy chồng lấy vợ, thì cứ tự do tìm hiểu nhau. Nếu khi nào bên nhà gái đã ưng cái bụng thì mới được phép đến nhà ra mắt. Trong lễ ra mắt, nhà trai cũng mời cha mẹ, anh em họ hàng đến thăm hỏi nhà gái, rồi nhà gái sẽ thách cưới.

Khi chấp nhận lấy vợ, nhà trai phải tự tay chuẩn bị những lễ vật do nhà gái đặt ra. Lễ vật cho lần cưới đầu tiên là hai đôi bát, hai đôi cườm, hai đôi gà và làm một con lợn để chuẩn bị cho lễ cưới. Riêng nhà gái thì không cần chuẩn bị nữa. Khi chuẩn bị xong xuôi mọi thứ, nhà trai mới tổ chức đám cưới đưa cô dâu về nhà. Từ đó sống với nhau như vợ chồng.

Sau khi lấy nhau được 10 năm, nhà trai tiếp tục đến gặp nhà gái. Lúc này, bố mẹ nhà gái sẽ thách về đám cưới. Dù lúc này con gái mình đã được gả về nhà trai, nhưng đám cưới như một dịp để những người chồng biết yêu thương và tôn trọng người vợ của mình hơn. Vẫn như lần cưới đầu, nhà gái thách lễ vật là hai con lợn, 12 đôi gà. Nhà trai tiếp tục chọn lễ vật để đám cưới lại cho con. Lần này đám cưới sẽ được mời thêm bà con láng giềng tới tham dự.

Hết đám cưới lần hai, vợ chồng tiếp tục trở lại cuộc sống như cũ. Họ vẫn bên nhau cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Sống với nhau thêm năm năm đến bảy năm, nhà trai tiếp tục tổ chức đám cưới lần thứ ba. Lần này lễ cưới lớn hơn so với những lần trước, bao gồm một con lợn, một con trâu, ba đôi gà. Chuẩn bị đâu vào đấy rồi mang sang nhà gái, và tổ chức cưới lần thứ ba trước mặt anh em, họ hàng và láng giềng.

Tuy nhiên, tục cưới ba lần nhiều lúc được thực hiện một cách kỳ lạ, đặc biệt đối với những gia đình có vợ mất sớm. Có thể chỉ tổ chức đến lần thứ hai, không thể sống để cưới lần ba, nhưng nhiều gia đình vẫn tổ chức đám cưới cho người vợ đã quá cố. Tình cảm của người đàn ông dành cho vợ mình rất lớn lao. Họ luôn xem đó là bổn phận đối với người đàn ông, và không có ai cảm thấy đó là một gánh nặng.

Bản Y Leng của người Khùa

Một tập tục văn hóa đẹp

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ biên phòng Lê Xuân Toàn cho biết, trước đây khi mới tới công tác, anh hoàn toàn lạ lẫm với tập tục nơi đây. Anh thấy rất kỳ lạ nên nhiều lần đến tham dự đám cưới của họ. "Nhiều lúc thấy họ cưới mà tôi phải ngạc nhiên. Không tin nếu như không chứng kiến. Tuy mới chứng kiến một hai cặp cưới nhưng tôi thấy họ làm giống nhau, không ai bảo ai họ đều thực hiện như một lẽ thường. Tuy những người này đã là người chồng, người cha già", anh Toàn tâm sự.

Không chỉ chúng tôi mà những người cán bộ vùng xuôi lên đây công tác đều có chung một suy nghĩ, đó chính là tập tục quá nặng nề đối với những người chồng. Bởi đám cưới được tổ chức thì nhà trai phải bỏ thời gian và tốn kém tiền bạc. Đặc biệt với những gia đình không có tiền, cuộc sống khó khăn thì lấy đâu ra lễ vật. Thế nhưng mọi người nơi đây vẫn gìn giữ tập tục này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Cui (55 tuổi, trưởng bản Y Leng) cho biết, tập tục cưới này bắt nguồn từ đời cha ông họ. Những người đi trước đã thực hiện nên họ là thế hệ sau cũng tuân thủ và thực hiện như một thông lệ trong cuộc sống của họ. "Năm ấy, mình lấy vợ, bà là người xinh xắn trong vùng. Khi hai người quen nhau và thấy ưng cái bụng nên mới về nói với gia đình. Bảo người yêu về nhà nói với cha mẹ. Khi thấy cha mẹ nhà gái đồng ý nên mình cũng chuẩn bị và đưa lễ vật sang cưới vợ. Khi mình với vợ sống với nhau được 10 năm mình mới cưới lần thứ hai và lần ba cũng tổ chức sau đó bảy năm. Giờ hai vợ chồng mình lúc nào cũng thấy vui", ông Hồ Cui chia sẻ.

Già làng Hồ Thoong cũng cho biết thêm, việc cưới vợ đúng là rất tốn kém và khó khăn, đối với những gia đình không có điều kiện. Tuy nhiên, vấn đề đó cũng không còn nặng nề như trước. Trước đây chuyện cưới xin thường bắt buộc phải do nhà trai tổ chức. Nhưng sau này, nhiều gia đình nhà gái không còn bắt buộc lễ vật từ nhà trai. Thậm chí họ còn tổ chức đám cưới lần ba cho con mà không cần lễ vật. Hoặc không cần tổ chức lớn như trước.

Nhiều người dân nơi đây tin rằng, tập tục này nó là điều đã in sâu trong đời sống của họ không thể thay đổi. Để gìn giữ nét văn hóa này, người dân lược bỏ những chi tiết liên quan đến lễ vật thách cưới, nên những tập tục này không còn nặng nề như trước. Họ cho rằng mình cần phải làm vậy, thì tình cảm vợ chồng mới suôn sẻ.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, anh Hồ Vóc, cán bộ văn hóa xã Dân Hóa cho rằng, tập tục cưới ba lần đã in sâu trong đời sống văn hóa của họ. Không ai có thể thay đổi nó một cách dứt khoát, mà thay vào đó, việc tổ chức đám cưới sẽ không nặng nề như trước. Hiện nay bà con nơi đây cũng tùy theo gia cảnh từng người và tổ chức chứ không bắt buộc, gây áp lực kinh tế nặng nề cho các gia đình.


Tin nổi bật