Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tự xưng quản lý chợ, nữ chủ quầy thịt lợn "lên đời" làm bảo kê

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tự xưng là quản lý chợ, Giang đã cưỡng đoạt của những người bán hàng ở chợ Tân Mỹ số tiền hơn 100 triệu đồng.

(ĐSPL) - Tự xưng là quản lý chợ, Giang đã cưỡng đoạt của những người bán hàng ở chợ Tân Mỹ số tiền hơn 100 triệu đồng.

Theo báo Công an nhân dân, ngày 29/11, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản. Bị cáo Lưu Thị Kim Giang (46 tuổi, trú tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm nghề kinh doanh tự do.

Bị cáo Giang - Ảnh: báo CAND

Báo An ninh thủ đô thông tin, theo bản án sơ thẩm của TAND quận Nam Từ Liêm, Lưu Thị Kim Giang là người chuyên bán thịt lợn tại chợ Tân Mỹ (phường Cầu Diễn). Và từ năm 2011, toàn bộ các tiểu thương kinh doanh tại đây đều phải chuyển sang khu chợ tạm ở gần đó.

Ban đầu, Giang vẫn tiếp tục gắn bó với phản thịt lợn của mình ở chợ tạm. Thế nhưng kể từ năm 2013, việc buôn bán thực phẩm tươi sống của người đàn bà này dần “tắc bụp” và Giang tự cho mình có thêm cái quyền thu phí của những người kinh doanh cùng khu chợ.

Một trong những người bị Giang thường xuyên quậy phá việc buôn bán là chị Trần Thị Hồng M. Bởi thực tế, chị M vốn đã buôn bán ở chợ Tân Mỹ từ nhiều năm với gánh hàng rau. Tuy nhiên kể giữa năm 2014, chị M bất ngờ bị nữ chủ quầy thịt lợn cùng khu chợ đến yêu cầu phải nộp tiền “luật” hàng tháng là 300.000 đồng.

Biết rõ Giang không có quyền hành gì trong quản lý và thu phí chợ tạm, song vì muốn yên ổn bán buôn để có tiền trang trải cuộc sống gia đình nên chị M vẫn chấp nhận nộp tiền bảo kê đều đặn. Dù vậy, tháng 10/2014, Giang lại tự ý tăng giá và thu của chị M 500.000 đồng/tháng.

Sự vô lý ấy cứ thế kéo dài cho đến tháng 2/2016 và do rau cỏ ế ẩm nên chị M xin Giang hạ giá tiền bảo kê xuống còn 400.000 mỗi tháng. Đến tháng tiếp theo, khi nộp tiền “luật” chị M chỉ có 300.000 đồng, do đó bị nữ chủ quầy thịt lợn ném tiền vào mặt, đồng thời đe dọa: “Mày có đưa đủ không? Tao cho người đến xử lý”.

Thế rồi lời đe dọa của Giang nhanh chóng trở thành hiện thực. Bởi sáng 26-3-2016, khi chị M dọn hàng ra bán thì bị Giang xông đến hất đổ hết gánh hàng và kê chiếc bàn gỗ vào chỗ ngồi quen thuộc của người bán rau. Chị M phản ứng liền bị nữ đối tượng bảo kê đánh tối tăm mặt mày.

Cùng cảnh ngộ như chị M, còn có ít nhất 14 tiểu thương khác cũng bị Giang thường xuyên gây sức ép, đe dọa và buộc phải nộp tiền bảo kê hàng tháng. Ban đầu, Giang thu của các tiểu thương từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/chỗ ngồi/tháng, sau đó tăng lên 500.000 đồng/tháng.

Đối với những người mới đến chợ tạm Tân Mỹ buôn bán và chưa có chỗ ngồi ổn định, Giang bắt họ phải đóng tiền “xây dựng chợ” từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng, tùy từng loại hàng kinh doanh. Ngoài ra sau đó, những người này tiếp tục phải nộp “tiền luật” hàng tháng như mọi người.

Quá trình điều tra, xử lý Lưu Thị Kim Giang về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, cơ quan tố tụng quận Nam Từ Liêm làm rõ, từ năm 2013 đến năm 2016, nữ bị cáo này đã cưỡng đoạt được hơn 100 triệu đồng của hàng chục tiểu thương, tại chợ tạm Tân Mỹ. Và với hành vi gây ra, cấp tòa sơ thẩm đã xử phạt bị cáo này 6 năm tù giam. Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo Giang kháng cáo không đồng tình với mức án mà Toà cấp sơ thẩm tuyên phạt.

Cũng theo báo Công an nhân dân, tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX xác định, hành vi mà bị cáo Giang đã thực hiện là nguy hiểm cho xã hội. Hành vi ấy đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Vì thế cần phải có hình phạt nghiêm khắc để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Tuy nhiên bị cáo Giang mới phạm tội lần đầu nên cần xem xét và giảm nhẹ một phần hình phạt để giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt.

Với phán quyết trên, HĐXX phúc thẩm đã giảm một phần án sơ thẩm từ 6 năm tù xuống còn 4 năm tù. Các hình phạt bổ sung khác của Toà án cấp sơ thẩm được giữ nguyên.

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

HẠNH VŨ (Tổng hợp)

Xem thêm video tại đây:

[mecloud]KphQItZs2Q[/mecloud]

Tin nổi bật