Hàng loạt vụ bê bối liên quan đến sữa giả trong suốt một thế kỷ qua đã gây chấn động dư luận quốc tế, để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Những sự việc này còn tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng, làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về công tác quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm. Trước tình hình đó, dư luận đã kêu gọi các chính phủ và cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.
Sữa bột nhiễm melamine ở Trung Quốc
Theo Vietnamnet, bê bối sữa bột nhiễm hóa chất công nghiệp độc hại melamine khiến ít nhất 6 trẻ tử vong và 300.000 trẻ khác bị ốm từng gây rúng động dư luận Trung Quốc vào năm 2008. Tới năm 2009, tòa án Trung Quốc đã tuyên tử hình Zhang Yujun, một nông dân chăn nuôi bò sữa và Geng Jinping, một người bán sữa vì liên quan tới vụ việc.
Theo Tân Hoa Xã, Zhang đã sản xuất và bán hàng trăm tấn "bột protein" pha melamine, còn Geng đã bán hơn 900 tấn sữa bị nhiễm độc ra thị trường. Phần lớn số nguyên liệu này đã được đưa đến Sanlu, một trong những công ty sữa lớn nhất ở Trung Quốc vào thời điểm đó và cũng là nơi sữa được sản xuất thành sữa bột dành cho trẻ em.
Trong quá trình xét xử, tòa án Trung Quốc cũng tuyên phạt tù đối với 19 đối tượng khác trong đường dây cố tình cho thêm melamine vào sữa được phanh phui năm 2008.
Đáng nói, melamine được tìm thấy trong sản phẩm của 22 công ty khác nhau, tức 1/5 nguồn cung cấp sữa ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Melamine là hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa, phân bón và bê tông. Khi đưa vào các sản phẩm thực phẩm, nó làm tăng hàm lượng protein trong kết quả kiểm tra nhưng có thể gây ra sỏi thận và suy thận cho người dùng.
Bê bối sữa bột nhiễm hóa chất công nghiệp độc hại melamine khiến ít nhất 6 trẻ tử vong và 300.000 trẻ khác bị ốm. Ảnh: Reuters.
Vụ việc đã dẫn đến các đợt thu hồi sản phẩm sữa quy mô lớn trên toàn thế giới và gây phẫn nộ ở Trung Quốc, nhất là khi thông tin chi tiết về những hành vi cố ý che đậy vụ việc được tiết lộ.
Cụ thể, Sanlu, công ty là tâm điểm trong vụ bê bối, đã biết chuyện sản phẩm sữa của mình làm trẻ nhỏ bị ốm vào tháng 5/2008, nhưng mãi đến tháng 8 cùng năm mới thông báo cho nhà chức trách ở thành phố Thạch Gia Trang. Các quan chức Thạch Gia Trang đã đợi một tháng trước khi báo cáo với chính quyền tỉnh Hà Bắc và sau đó mới báo cáo với chính quyền trung ương. Trong khi đó, tin đồn về việc trẻ em bị ốm sau khi uống sữa của Sanlu đã lan truyền tại Trung Quốc vào tháng 7/2008, trước thềm Thế vận hội Olympic Bắc Kinh.
Nhiều phụ huynh đã vô cùng tức giận khi biết những người nông dân chăn nuôi bò sữa và những kẻ trung gian đã cố tình thêm melamine để tăng hàm lượng protein trong sữa nhằm vượt qua các cuộc kiểm tra dinh dưỡng. Họ phẫn nộ khi Tổng Giám đốc của Sanlu là Tian Wenhua chỉ bị kết án chung thân, sau khi đối tượng này nhận tội sản xuất và buôn bán các sản phẩm giả hoặc kém chất lượng.
Trong khi, 3 cựu giám đốc điều hành khác của Sanlu bị tuyên án từ 5 - 15 năm tù giam, các quan chức liên quan ở Thạch Gia Trang chỉ bị sa thải hoặc chấp nhận từ chức vì bê bối.
Gia đình các nạn nhân cũng bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng thỏa thuận bồi thường 1,1 tỷ Nhân dân tệ của 22 công ty là không đủ để chia sẻ gánh nặng y tế mà hàng trăm nghìn nạn nhân phải hứng chịu.
Tới năm 2010, cơ quan an toàn thực phẩm Trung Quốc lại tiếp tục thu giữ 64 tấn bột sữa chưa chế biến bị nhiễm melamine.
Theo Tân Hoa Xã, cơ quan giám sát chất lượng ở tỉnh Thanh Hải đã lấy nguyên liệu từ một nhà máy sữa ở địa phương. Các mẫu thử nghiệm cho thấy, sữa bột tại đây chứa hàm lượng hóa chất cao gấp 500 lần mức tối đa cho phép. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tìm thấy khoảng 12 tấn sản phẩm bột sữa đã chế biến bị nhiễm melamine tại nhà máy này.
Cảnh sát đã bắt giữ người chủ và giám đốc sản xuất của nhà máy ở Thanh Hải. Trong đó, lô sữa đầu tiên nhiễm melamine được sản xuất tại cơ sở này được phát hiện ở tỉnh Cam Túc.
Làm sữa giả từ hóa chất độc hại ở Ấn Độ
Báo Dân trí cho biết, tháng 2/2025, Ấn Độ phát hiện một hệ thống sản xuất sữa giả từ kali xút, bột đậu nành, chất tạo ngọt hết hạn sử dụng từ 2 năm trước.
Trong đó, kali xút (KOH) là hóa chất nguy hiểm có thể gây bỏng miệng, cổ họng, dạ dày nếu nuốt phải; gây khó thở khi hít vào và tổn thương mắt vĩnh viễn nếu tiếp xúc trực tiếp.
Tháng 6/1955, nhiều trẻ em Nhật Bản xuất hiện triệu chứng ngộ độc do sử dụng sữa bột của Morinaga. Ảnh minh họa.
Sữa Morinaga Nhật Bản nhiễm arsenic
Từ tháng 6/1955, nhiều trẻ em Nhật Bản xuất hiện triệu chứng ngộ độc do sử dụng sữa bột của Morinaga – một thương hiệu lớn lúc bấy giờ. Sau điều tra, chính quyền xác nhận hơn 13.000 trẻ bị nhiễm arsenic – chất độc nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Nguyên nhân chính được xác định là do quy trình sản xuất sữa của Morinaga không kiểm soát tốt, khiến arsenic tồn dư trong sữa bột.
Sự việc gây ra cái chết cho nhiều trẻ, đồng thời để lại hậu quả lâu dài cho những người sống sót, gồm các vấn đề về phát triển trí tuệ, thần kinh, khả năng học tập. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi hoàn toàn. Vụ bê bối làm dấy lên lo ngại về chất lượng thực phẩm và an toàn thực phẩm tại Nhật Bản trong suốt nhiều năm sau đó.
Cuối cùng, Morinaga đối mặt với các vụ kiện lớn. Chính quyền Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp khắt khe hơn đối với các quy định sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, hậu quả của vụ việc này vẫn là một trong những thảm họa an toàn thực phẩm nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Mãi đến thập niên 2000, nhiều nạn nhân mới được bồi thường.
Pha chế sữa giả từ sữa tắm, sơn và hương liệu
Tháng 7/2019, lực lượng đặc nhiệm bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, đã triệt phá ba nhà máy sản xuất sữa giả quy mô lớn. Nhóm này pha chế sữa bằng cách trộn nước, dầu ăn, sữa tắm, sơn trắng, chất tẩy rửa và hương liệu. Sản phẩm sau đó được phân phối rộng rãi đến Delhi, Bhopal.
Theo Times of India, nhà chức trách đánh giá quy mô hoạt động tinh vi và nguy hiểm, do sữa giả không chỉ mất an toàn mà còn có nguy cơ độc tố cao. 57 đối tượng bị bắt giữ ngay sau đó.
Tại Việt Nam, ngày 12/4, Bộ Công an thông tin triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Theo quy định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả.
Từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm này đã lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Đường dây sản xuất sữa giả này có hệ sinh thái phủ cả nước.