Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ vụ ông Truyền, nhận diện lỗ hổng cấp nhà đất cho "quan tham"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Một người sở hữu đến 6 khu nhà, đất trái với tiêu chí, tiêu chuẩn được cấp cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác cấp đất, công tác quản lý đất đai tài sản của cán bộ hiện nay.

(ĐSPL) - Một người sở hữu đến 6 khu nhà, đất trái với tiêu chí, tiêu chuẩn được cấp cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác cấp đất, công tác quản lý đất đai tài sản của cán bộ hiện nay.

Bình luận về vấn đề liên quan đến những vi phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có ý kiến cho rằng, lỗ hổng trong quản lý Nhà nước chính là ở sự thiếu liên kết dữ liệu, hồ sơ quản lý từ các địa phương. Vậy liệu việc lập hệ thống liên kết dữ liệu giữa các địa phương trên toàn quốc có trở thành "bức tường lửa" ngăn chặn những "ông Truyền thứ hai" trong thời gian tới. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.


Phong bì vài trăm nghìn đồng thì bị lên án, “biệt thự triệu đô” thì không “xử”?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã có kết luận kiểm tra vi phạm về nhà, đất của ông Truyền. ông đánh giá như thế nào về những vi phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ?

Theo tôi, vụ ông Truyền cho thấy sự không minh bạch về tài sản, có những tài sản không thuộc về phạm vi, chế độ, tiêu chuẩn của mình nhưng vẫn xin mua, xin thuê. Thậm chí sau khi nghỉ hưu 3 năm ở quê rồi mới trả lại nhà công vụ. Kết luận của UBKTTƯ cho thấy, ông Truyền có tới 6 trường hợp về nhà, đất là quá nhiều so với những cán bộ thông thường. Điều đó cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác cấp đất, công tác quản lý đất đai tài sản của cán bộ hiện nay. Qua vụ ông Truyền thiếu trung thực khi kê khai nhà đất để được cấp đất, cấp nhà, mua nhà giá rẻ cho thấy, phải có những quy định đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc kê khai tài sản và xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản

Video tham khảo:

Ông Trần Văn Truyền nhận kết luận kiểm điểm, thu hồi nhà đất 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến từng phát biểu trước báo giới: "Công chức nào đó nhận phong bì vài trăm nghìn đồng thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỉ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai". Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Kết luận của UBKTTƯ rất rõ ràng, trong đó có việc yêu cầu thu hồi một số tài sản nhà, đất của ông Truyền. Đây là minh chứng cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Đối với những tài sản nhà, đất không phải do mình làm ra thì cần phải thu hồi. Đồng thời, phải xử lý trách nhiệm đối với những người trực tiếp và gián tiếp để xảy ra sự việc đó. Qua vụ việc này, các cơ quan quản lý cán bộ phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa trong suốt quá trình cán bộ công tác để có thể kịp thời phát hiện, xử lý.

TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Cái kim trong bọc rồi cũng lòi ra

Như ông vừa nói ở trên, sự việc của ông Truyền đã bộc lộ sự lỏng lẻo trong công tác cấp đất, nhà, công tác quản lý đất đai, tài sản của cán bộ. ông có thể phân tích rõ hơn về sự lỏng lẻo này?

Rõ ràng, từ sự việc ông Truyền cho thấy, công tác quản lý quá lỏng lẻo nên mới dẫn đến chuyện giao đất cho người này, người kia, trong khi đó là đất công mà không đúng theo tiêu chuẩn, chế độ. Việc cấp không đúng, không kiểm soát tốt mới trở thành chuyện "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" và mới có những trường hợp phải trả lại. Điều đó cho thấy, hiện chúng ta vẫn chưa có quy trình cấp đất, cấp nhà cho các cán bộ, ngoài việc hình thành quỹ nhà công vụ. Đối với các cán bộ cấp cao, địa phương muốn làm thế nào tùy ý của địa phương, nên mới dẫn đến có người được cấp nhà, đất quá nhiều, có người không có. Đó là hiện trạng mà đến nay vẫn chưa có sự giám sát.

Ngay như vấn đề nhà công vụ, chúng ta cũng chưa thấy ai cưỡng chế bao giờ, vì người ở nhà công vụ chủ yếu là cán bộ có chức sắc nên luật phải đưa ra được các quy định chặt chẽ trong vấn đề này. Công tác quản lý đất đai nói chung đang tồn tại nhiều bất cập, lỏng lẻo và không minh bạch. Cho nên, những khiếu kiện về đất đai chiếm đến 80\% các vụ khiếu nại tố cáo của dân. Hiện nay, quản lý đất đai đang có những hạn chế gì và phải nhìn thẳng vào đó để đánh giá khách quan.

Trường hợp một cá nhân với nhiều nhà đất được cấp rất dễ dàng khiến dư luận băn khoăn liệu có vấn đề gì không và có phải điều tra, xử nghiêm trách nhiệm của những cán bộ liên quan?

Phải quy trách nhiệm của đơn vị cấp nhà, chí ít cũng là cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản của nhà nước, phải xử lý. Nếu anh cấp đúng thì bây giờ làm gì có chuyện đi thu hồi tài sản? Còn nếu đã thu hồi thì rõ ràng là làm sai, mà đã làm sai thì phải truy trách nhiệm.

Có ý kiến cho rằng, để quản lý chặt được việc cấp đất, nhà, tài sản của cán bộ cần có sự liên kết dữ liệu các địa phương để quản lý. ông nghĩ sao về giải pháp này?

Đúng là hiện nay, hồ sơ quản lý đất đai, tài sản nhà, đất của tỉnh nào cắt riêng của tỉnh đó, không có sự liên hệ với nhau mới dẫn đến tình trạng cấp nhà, đất sai đối tượng, nhầm tiêu chuẩn và chồng chéo. Vì thế cần phải có sự liên hệ, liên kết dữ liệu giữa các địa phương để có thể quản lý, mới có thể biết được người này, người kia có đất, có nhà ở những nơi nào. Đây là việc chúng ta nên làm từ lâu chứ không phải vẫn còn đang ở thì tương lai. Khung pháp lý hiện tương đối tốt, các trình tự thủ tục trong lĩnh vực đất đai đã tương đối hợp lý nhưng câu chuyện của Việt Nam vẫn là việc thực thi của cán bộ.

Xin cảm ơn ông!

“Bức tường lửa” chính là lập hồ sơ quản lý đất đai từng địa phương và liên kết kiểm tra chéo

Ông Lê Văn Cuông, nguyên ĐBQH khóa XII cho rằng: "Vấn đề đất đai, bất động sản luôn nóng bỏng. Qua nhiều lần sửa đổi, luật Đất đai đã "bịt" được những lỗ hổng mà người ta có thể lợi dụng để làm giàu bất chính. Trường hợp ông Trần Văn Truyền không phải là cá biệt, ở địa phương này hay địa phương khác vẫn có những trường hợp lợi dụng lỗ hổng của pháp luật, sự sơ hở trong quản lý mà tư lợi. Công tác thanh tra, giám sát kê khai tài sản chưa thật sự nghiêm túc nên chưa phát hiện được tài sản bất minh (mà đất đai là tài sản bất minh lớn). Vì thế mới xảy ra tình trạng, cùng một chế độ chính sách nhưng có những cán bộ được "ưu ái" cấp nhà, đất ở hai địa phương khác nhau. Bởi thế, các địa phương phải có sự kiểm tra chéo, có sự liên kết, tìm hiểu hồ sơ quản lý đất đai cụ thể giúp các cơ quan quản lý xác minh một cách nhanh gọn, chính xác. Việc liên kết hồ sơ dữ liệu quản lý đất đai ở các địa phương sẽ hạn chế những trùng lắp trong việc cấp nhà, đất cho cán bộ và hạn chế tiêu cực".

Trinh Phúc - Ngân Giang - Anh Văn

Tin nổi bật