Mới đây, hình ảnh một bé trai bị trói tay, xích chân, bị cha ruột kéo lê sau xe máy trên đường tại Hải Phòng đang gây xôn xao dư luận.
Theo thông tin ban đầu, cơ quan công an xác định, người đàn ông kéo lê bé trai là Phạm Văn Trường (SN 1983, trú tổ dân phố 7, phường Bạch Đằng, TP Hải Phòng). Ngày 26/6, ông Trường nghi ngờ con trai mình là cháu P.M.T. (SN 2010) lấy trộm tiền và điện thoại của gia đình nên đã chửi bới, đuổi đánh. Do hoảng sợ, cháu T. đã bỏ nhà đi lang thang.
Đến sáng 5/7, cháu T. trở về nhà ngủ thì bị Trường phát hiện. Đối tượng đã dùng xích khóa hai chân con trai rồi treo ngược lên. Sau đó, Trường dùng thanh gỗ, ống nhựa, bàn chải đánh giày đánh vào đùi cháu T.
Trước sự uy hiếp và đánh đập của bố, cháu T. đã thừa nhận hành vi lấy điện thoại, tiền và chỉ cho Trường tới khu vực tỉnh lộ 359 để tìm lại đồ đã bán.
Người này không dẫn con đi bình thường mà dùng xích buộc vào xe máy rồi kéo cháu T. đi để tìm lại chiếc điện thoại.
Tuy nhiên, khi đến gần một cửa hàng điện thoại tại đây, cháu T. đã lợi dụng sơ hở của bố, chạy vào quán hô hoán, cầu cứu người dân xung quanh. Người dân lập tức can thiệp, hỗ trợ đưa cháu T. đến trụ sở cơ quan công an trình báo sự việc.
Hình ảnh người đàn ông kéo lê bé trai trên đường gây phẫn nộ. Ảnh: Cắt từ clip
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP đã chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp khẩn trương với Công an phường Bạch Đằng xác minh, lập hồ sơ xử lý nghiêm vụ việc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Trường để điều tra về hành vi “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật, TS. Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, hành vi của người cha trong vụ việc này là biểu hiện của sự bất lực trong giáo dục, nhưng đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị xử lý hình sự. Việc khởi tố vụ án là hoàn toàn có căn cứ và cần thiết để bảo vệ trẻ em và răn đe xã hội.
TS. Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Theo ông Cường, câu chuyện đau lòng này là minh chứng rõ ràng cho hậu quả của việc thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng giáo dục con, và không kiểm soát được cảm xúc của nhiều bậc cha mẹ. Nhiều đứa trẻ có thể nghịch ngợm, mắc lỗi, nhưng hành vi dùng bạo lực để “dạy dỗ” không chỉ phản tác dụng mà còn là tội ác bị pháp luật nghiêm trị.
Pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ quyền được sống, được tôn trọng, được bảo vệ danh dự và nhân phẩm của trẻ em bất kể đó là con ruột hay không. Dù hành vi của cháu bé (nếu có) có vi phạm pháp luật, việc xử lý phải tuân thủ đúng quy trình pháp luật, không thể dùng vũ lực, đặc biệt là hành vi tàn độc như trong vụ việc này.
Theo chuyên gia, nếu kết quả điều tra xác định cháu T. đã thực hiện hành vi trộm cắp, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ tuổi, giá trị tài sản để xem xét có xử lý hình sự hay không.
“Dù vụ việc được xử lý như thế nào chăng nữa thì đây cũng là một câu chuyện đáng buồn, là biểu hiện điển hình của sự bất lực trong giáo dục và thiếu hiểu biết pháp luật của người cha dẫn đến bi kịch gia đình.
Cháu bé thì bị hành hạ, tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe, người cha thì vướng vào vòng lao lý, hậu quả còn có thể nghiêm trọng hơn những thông tin bước đầu.
Đây sẽ là bài học cho nhiều bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục con cái, cũng là bài học cho các em khi thiếu chín chắn, không làm chủ được hành vi và suy nghĩ của mình”, ông Cường cho hay.