Những ngày gần đây, vụ tai nạn nổ bóng bay trong tiệc sinh nhật khiến cô gái xinh đẹp bị bỏng nặng đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng.
Nguyên nhân của sự việc được cho là quả bóng bay cô gái cầm trên tay đã vô tình chạm vào ngọn nến, vụ nổ bất ngờ xảy ra, làm lửa phựt lên. Cô gái sau đó bị bỏng toàn bộ khuôn mặt và một phần cánh tay bị bỏng nặng, băng bó kín.
Cô gái xinh đẹp "bốc cháy", bỏng nặng ở tiệc sinh nhật. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống
Trao đổi trên báo Dân trí về sự việc trên, bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Phương Đông, khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM), cho biết về nguyên tắc, các bong bóng bay được bơm bằng các khí nhẹ hơn không khí của môi trường bình thường.
Theo quy định, người ta sẽ sử dụng khí heli để bơm vào bóng. Đây là một loại khí trơ không tác dụng với oxy trong không khí, nên sẽ không gây ra cháy nổ.
Tuy nhiên, vì giá thành của Heli cao, một số nơi đã chọn cách bơm vào bong bóng khí hydro - loại khí dễ cháy khi tiếp xúc với không khí (chứa oxy) và môi trường có nguồn nhiệt độ cao hoặc tia lửa. Do đó, hiện nay vẫn thường xảy ra những trường hợp tai nạn vì nổ bong bóng.
Bác sĩ Đông phân tích, bỏng do cháy nổ khí hydro về bản chất là bỏng lửa do nhiệt độ cao. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chấn thương các cơ quan khác, do sóng xung kích từ vụ nổ.
Vì nhiệt độ từ vụ cháy cao và quả cầu lửa lan tỏa rộng, nên dù thời gian tiếp xúc với lửa ngắn, vẫn có thể gây bỏng sâu với diện tích bỏng lớn cho nạn nhân. Đặc biệt, những trường hợp bén lửa gây cháy áo quần, có thể gây bỏng nặng nề hơn.
Nếu không may gặp nạn, việc biết sơ cứu bỏng đúng cách để giảm mức độ nặng và di chứng của bỏng về sau rất quan trọng.
Cụ thể, khi bị bỏng, cần sơ cấp cứu nạn nhân ngay bằng cách tưới rửa vết bỏng với nước mát từ vòi sen 15-20 phút, tuyệt đối không xối rửa bằng nước đá lạnh vì có thể tiếp tục gây bỏng lạnh. Sau đó, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng, để được thăm khám và điều trị.
Các bong bóng bay được bơm bằng các khí nhẹ hơn không khí của môi trường bình thường. Ảnh minh họa
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên mua bóng bay từ cơ sở kinh doanh uy tín, biết rõ nguồn gốc khí trong bóng bay, để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, danh tính cô gái xinh đẹp trên là chị Phạm Thị Giang. Chị Giang cũng chính là người chia sẻ đoạn video mình gặp sự cố ngày 14/2.
Theo chia sẻ của chị Giang, vì muốn tạo ấn tượng với bạn bè và tạo kỷ niệm đáng nhớ cho bản thân, ngoài bóng bay nhà hàng chuẩn bị, chị Giang còn đặt riêng một chùm bóng có in tên mình.
Cuối buổi tiệc chị Giang nhờ bạn quay giúp đoạn video. Một tay chị Giang cầm bánh sinh nhật có nến, tay kia cầm chùm bóng bay có chứa khí hydro.
"Đang đắm mình theo nhạc bất ngờ quả bóng tiếp xúc với nến phát nổ, ngọn lửa bùng lên mặt, bạn bè đưa vào nhà vệ sinh rồi xả nước lên mặt. Ngay sau đó, tôi được đưa tới Bệnh viện Xanh Pôn. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị bỏng độ 2 ở mặt, bỏng độ 1 ở tay", chị Phạm Giang kể.
Chị Giang cho hay, sau khi bình tĩnh và vết bỏng hiện đang dần ổn định, chị đăng bài cảnh báo lên mạng xã hội để nhiều người thận trọng hơn khi sử dụng bóng bay có chứa khí hydro.