GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng: "Ở vụ án Đinh La Thăng, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan thanh tra, kiểm tra là phải có. Tôi nghĩ có sự méo mó trong các kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán trước đây. Nguyên nhân có thể do yếu tố chủ quan hoặc khách quan".
Sau khi khởi tố vụ án tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đến nay, 22 bị can đối mặt với phán quyết của tòa án vào ngày 8/1 tới, trong đó là những cái tên như: , Trịnh Xuân Thanh, Phùng Đình Thực...
Khi tội danh được công bố, nhiều người mới giật mình vì hàng nghìn tỷ đồng chi sai, chi khống tại PVN, PVC. Trách nhiệm của các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán trước đây như thế nào?
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển.
PV: Thưa ông, trong vụ án Đinh La Thăng, trách nhiệm của các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán cần phải được xem xét như thế nào?
GS.TS Đặng Đình Đào: Rõ ràng, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan thanh tra, kiểm tra trước đây là phải có. Tôi nghĩ có sự méo mó trong các kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán trước đây. Nguyên nhân có thể do yếu tố chủ quan hoặc khách quan. Các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán chưa làm đúng tinh thần trách nhiệm, bỏ lọt sai phạm.
GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, trong vụ án Đinh La Thăng cần truy trách nhiệm các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán trước đây. |
Cần dò lại các kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán trước đây xem quá trình thanh, kiểm tra, kiểm toán đó được thực hiện thế nào? Có khách quan, trung thực hay không? Ai là người ký các bản kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán đó? Kết luận đó hiện nay có sự vênh nhau như thế nào với các kết luận điều tra. Như vậy là có thể thấy ngay sai phạm ở mức độ nào, do chủ quan hay khách quan.
Các quyết định thanh, kiểm tra, kiểm toán ảnh hưởng rất lớn đến kết luận của các cơ quan khác, quyết định khác, trong đó có cả công tác cán bộ.
Bị can Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 8/1 tới đây. Nguồn ảnh: Internet. |
PV: Một số ý kiến nghi ngại về khả năng “nhắm mắt” cho qua sai phạm của các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán. Ý kiến của ông thì thế nào?
GS.TS Đặng Đình Đào: Ý kiến đó là có cơ sở, không loại trừ việc đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán nhắm mắt kiểu “Thanh cha (tra) thanh mẹ, thanh dì (gì)/ Cứ có phong bì thì bác thanh kiu (thank-you- cảm ơn-PV)”. Ngay cả việc ồn ào liên quan đến Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo, tất cả đúng quy trình nhưng cuối cùng, quy trình ấy lại có quá nhiều sai phạm.
Chúng ta có một lực lượng thanh, kiểm tra, kiểm toán rất hùng hậu, ngân sách Nhà nước chi một khoản không hề nhỏ để họ thực thi công vụ hàng năm. Nhưng qua vụ án Đinh La Thăng thấy rõ hiệu quả chưa cao. Cần phải chấn chỉnh lại ngay, không chỉ là nghiệp vụ mà còn là trách nhiệm của họ trước Đảng, trước nhân dân.
PV: Các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán là công cụ quản lý Nhà nước rất tốt trong vấn đề phòng, chống tham nhũng nhưng cũng dễ chịu “sức ép” từ cá nhân sai phạm. Trong vụ án Đinh La Thăng, cũng cần làm rõ có hay không “sức ép” như vậy?
GS.TS Đặng Đình Đào: Trước hết, luật pháp phải nghiêm minh, không để kẽ hở, dễ bị lợi dụng. Cần tìm đúng người thực sự có tài, có tâm, chí công vô tư trong công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán.
Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mà không đạt hiệu quả, họ phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã không phát hiện ra sai phạm. Khởi tố các bị can là tốt, nhưng không thể bỏ qua trách nhiệm của các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán. Cần rà soát lại từ tổ chức đến hoạt động và từng con người cụ thể. Các chữ ký đã rõ ràng, các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán gồm những ai cũng được duyệt rõ ràng, không khó để truy trách nhiệm.
Tôi nghĩ cần làm sớm, không để những băn khoăn, nghi ngại xấu trong dư luận xã hội. Thanh, kiểm tra, kiểm toán có làm theo chỉ đạo để ỉm đi sai phạm hay không? Do chất lượng cán bộ không tốt hay có sự cố tình hợp thức hóa giấy tờ? Đừng đổ lỗi cho năng lực kém, lực lượng mỏng để lấp đi việc lập lờ cho sai phạm tồn tại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
P.Thu