Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội) phân tích, Điều 32,Bộ luật dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật này cũng nêu, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Hình minh họa.
Việc "chủ nợ" đăng hình ảnh "con nợ" lên mạng xã hội mà không được sự cho phép của họ là bất hợp pháp. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 10-30 triệu đồng, theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 và Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Người vi phạm còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt phạt tiền 10-30 triệu đồng; hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; hoặc phạt tù 3 tháng 5 năm.
Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thuộc khung hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Người vi phạm cũng có thể phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Việt Hương (T/h)