Sau 3 ngày xét xử, chiều 15/11, TAND TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã tuyên án vụ án trốn thuế có liên quan đến vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải. Phiên xử diễn ra trong sự bảo vệ rất chặt về an ninh.
Thắt chặt an ninh trong phiên tòa
TAND TP.Nha Trang tuyên 4 bị cáo Trần Vũ Hải (57 tuổi), Ngô Tuyết Phương (vợ ông Hải, ngụ quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng Ngô Văn Lắm (37 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (47 tuổi, đều ngụ TP.Nha Trang) về tội Trốn thuế.
Ông Hải và bà Phương, mỗi người bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ, bị phạt bổ sung 20 triệu đồng/người. Bà Hạnh và ông Lắm mỗi người bị phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung 50 triệu đồng/người.
Tòa tuyên bị cáo Lắm phải nộp số tiền trốn thuế là hơn 280 triệu đồng. Trong trường hợp bị cáo Lắm không có khả năng thi hành án, 3 bị cáo còn lại liên đới phải nộp số tiền trên.
VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố các bị cáo về hành vi trong quá trình Hạnh, Lắm chuyển nhượng lô đất 78/40 Tuệ Tĩnh (phường Lộc Thọ, Nha Trang) cho vợ chồng ông Hải. Các bên thực tế đã mua bán với giá hơn 16 tỷ đồng nhưng làm tiếp một hợp đồng khác với giá chuyển nhượng chỉ 1,8 tỷ đồng để trốn thuế thu nhập cá nhân hơn 280 triệu đồng.
An ninh được thắt chặt tại phiên tòa xét xử luật sư Trần Vũ Hải. Ảnh: Báo Giao Thông |
Đáng nói, phiên tòa xử vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải diễn ra trong sự bảo vệ khá chặt về an ninh, chỉ những người có giấy triệu tập của TAND TP.Nha Trang mới được vào phòng xử án. Các thiết bị điện tử của luật sư, nhà báo tham gia phiên tòa đều bị lực lượng bảo vệ giữ lại, không cho mang theo.
Dư luận cho rằng, quy định của TAND TP.Nha Trang làm khó cho luật sư và nhà báo tác nghiệp. Từ phiên tòa trên, nhiều người thắc mắc về quy định của pháp luật như thế nào về một phiên tòa đảm bảo việc xét xử được tiến hành bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh?
Cần cho nhiều người tham gia nhằm góp phần phổ biến pháp luật
Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, việc tổ chức phiên tòa phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh, trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án; bảo đảm cho việc xét xử được tiến hành dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; góp phần tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của đời sống xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác. Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức phiên tòa; mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện để Tòa án tổ chức phiên tòa trang nghiêm, trật tự, theo đúng quy định của pháp luật.
Theo luật sư Bình, việc thắt chặt an ninh trong các phiên tòa là sự cần thiết. Vị luật sư viện dẫn, tại nội quy phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-CA ngày 28/4/2014 của Chánh án TAND Tối cao quy định: Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa. Nghiêm cấm mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa. Như vậy có thể thấy bảo đảm an ninh phiên tòa là việc cần thiết.
“Tuy nhiên, Thông tư không cấm những người tham dự không được đem điện thoại hay các thiết bị số khác bởi thời buổi công nghệ hiện nay việc những người tham dự phiên tòa hay luật sư thường xuyên sử dụng điện thoại và các thiết bị số khác để phục vụ cho việc bào chữa. Do đó việc cấm này là trái với quy định, làm khó luật sư. Hơn nữa, đây là xét xử vụ án hình sự với tội Trốn thuế, do đó cần phải để cho nhiều người tham gia nhằm góp phần phổ biến pháp luật. Đồng thời, Tòa án cũng phải tạo điều kiện cho các phóng viên tác nghiệp đúng theo luật Báo chí”, luật sư Bình đánh giá.
Luật sư chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết
Qua phiên tòa trên, vị Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật cũng nhìn nhận: Công bằng, bình đẳng luôn là yêu cầu quan trọng của quá trình giải quyết vụ án hình sự, được ghi nhận là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Một nền tư pháp tiến bộ là nền tư pháp phải bảo đảm cho các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng bào chữa có các cơ hội, điều kiện như nhau trong việc bày tỏ ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
Sự đấu tranh, vận động giữa chức năng buộc tội và chức năng bào chữa càng dân chủ, bình đẳng bao nhiêu thì quá trình tìm kiếm chân lý càng được bảo đảm bấy nhiêu.
Tuy nhiên, xét cả trên bình diện pháp lý và thực tiễn, người bào chữa (luật sư) chưa được đảm các điều kiện cần thiết để trở thành một bên bình đẳng với bên buộc tội trong quá trình đi tìm sự thật khách quan của vụ án. “
Thực tế, nhiều vị chủ tọa chưa thực sự tôn trọng vai trò của luật sư qua quá trình điều khiển phiên tòa. Những vướng mắc, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đến yêu cầu xây dựng một nền tư pháp dân chủ, công bằng nghiêm minh, bảo vệ công lý, ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo và đặc biệt là đã không tạo ra được cơ chế pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy các cơ quan tiến hành tố tụng tự hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình trước sự đối trọng, phản biện tích cực từ bên bào chữa”, chữa”, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Bài đăng trên ấn phấm báo in Đời Sống & Pháp luật số 184