Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tự Long ngậm ngùi khi lên “sếp”

(DS&PL) -

Được bổ nhiệm làm lãnh đạo, trong khi nhiều người mừng cho anh thì Tự Long lại đối diện với “nỗi lo” không còn được diễn trên sân khấu như trước đây.

Được bổ nhiệm làm lãnh đạo, trong khi nhiều người mừng cho anh thì Tự Long lại đối diện với “nỗi lo” không còn được diễn trên sân khấu như trước đây. Anh bảo: “Mình diễn thì dễ bị mang tiếng là ăn hết miếng cơm manh áo của anh em trong đoàn”.

Vừa làm lãnh đạo, vừa làm “quân”

Được biết, anh vừa được bổ nhiệm vị trí Phó giám đốc Nhà hát Chèo quân đội. Anh có nghĩ mình may mắn về sự nghiệp, trong khi nhiều đồng nghiệp đang còn rất lận đận?

Trong cuộc sống có cái tính được, nhưng có những điều không thể tính được. Điều khiến Tự Long tính được là đã có một môi trường nghệ thuật phát triển tốt, được tạo điều kiện sáng tạo, cống hiến hết mình.

Còn điều không tính được đối với Tự Long chính là ít người đầu quân trong quân đội mà phải chờ đợi chuyển chế độ lâu như tôi - 6 năm mới được lên trung úy. Có những bạn diễn trẻ bây giờ, khi về Nhà hát Chèo quân đội là đã được phong hàm thượng úy, đại úy ngay lập tức. Thời của tôi phải phấn đấu ghê lắm, cứ thấy việc là hùng hục lao vào.

Đến bây giờ tôi mới có thời gian chững lại để xem cái gì nên làm và không làm. Còn trước đây, tiêu chí là không từ chối. Có người hỏi tôi: “Mày có đi đóng phim không? Vai ba lăng nhăng có làm không?” thì luôn nhận được câu trả lời “Có, vai gì em cũng đóng”.

Cát-sê thấp? Không sao cả. Lúc đó, tôi chỉ muốn làm, muốn cống hiến thôi và cho đến giờ vẫn vậy. Lên chức rồi nhưng tôi không muốn vì thế mà không được diễn nữa. Hôm nhận quyết định, lãnh đạo bảo tôi giao lại các vai diễn cho người khác, cũng đúng thôi, nhưng nghe mà ngậm ngùi...

Nghệ sĩ Tự Long trong ngày nhận quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Nhà hát Chèo quân đội. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Bây giờ anh lên chức rồi, chắc khó mà mời anh diễn lắm?

Khó hơn chứ, vì dễ bị chú ý hơn nên diễn cái gì phải lựa chọn. Nó sẽ bị hạn chế về nghề nhưng cũng có cái hay là tự mình phải gọt giũa bản thân hơn. Tuy nhiên, tôi sẽ vẫn xuất hiện đều đặn trên truyền hình để được phủ sóng, nếu không thì hình ảnh sẽ mờ dần. Đó là cách mà từ xưa đến nay tôi cứ phải làm nhiều chương trình ngoài chèo là vì thế.

Diễn vai chính kịch là khán giả cười ồ

Từ hôm nhận chức đến nay, đã có ai nói với anh là thích anh làm diễn viên hơn làm “sếp” chưa? Vì có câu, đằng sau một diễn viên giỏi là một lãnh đạo tồi...

Bạn bè, người thân ai cũng chúc mừng, nhưng khi tôi chia sẻ trên Facebook thì một số khán giả chia sẻ rằng, chỉ muốn tôi làm diễn viên thôi. Những người ở cương vị lãnh đạo mà vẫn tham gia diễn xuất thường là bởi họ chưa đủ thành tích về giải thưởng, huy chương nên họ phải kiếm cho đủ để còn được xét danh hiệu NSND, NSƯT. Mà như vậy rất dễ bị anh em nghệ sĩ nghĩ rằng, mình quá tham, không chừa miếng cơm manh áo cho anh em kiếm sống.

Cụ Tào Mạt đã từng nói, đã làm quan thì thôi làm hề, mà đã làm hề thì thôi làm quan. Bởi nếu làm cả hai thì quan dở mà hề nhạt. Tuy nhiên, trong cuộc sống điều gì cũng có ngoại lệ của nó, có những người diễn viên giỏi nhưng chưa chắc đã là nhà quản lý tồi.

Câu nói ấy có thể đúng với môi trường này, với người này nhưng lại không đúng với môi trường khác và người khác. Tôi được biết rất nhiều vị lãnh đạo bước lên từ diễn viên nhưng họ chỉ giỏi một mặt về chuyên môn diễn xuất và không có kinh nghiệm về quản lý, tổ chức.

Làm lãnh đạo giống như làm diễn viên, cần có tố chất và tài năng, có những người diễn viên cả đời trên khấu hay trên màn ảnh chỉ đóng được một dạng vai, một là vai chính hai là vai phản diện. Nhưng cũng có những người lại đóng được rất nhiều thể loại, từ vai phụ đến vai chính, vai quần chúng, vai phản diện, vai chính diện… vai nào diễn họ cũng thành công.

Tôi tự hào mình là một trong số ấy với rất nhiều thể loại khác nhau, từ vai Táo “chạy qua sân khấu” trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” cho đến vai Táo Văn hóa, Táo Điện lực và mới nhất là đổi vai cho anh Chí Trung đóng vai Táo Giao thông. Với chèo, tôi đóng từ vai kép, đào, mụ, hề… và đều có huy chương. Tính đến nay đã chẵn 10 huy chương, trong đó có 7 Vàng, 3 Bạc.

Rất nhiều diễn viên vì bị ấn tượng ở những vai hài nên khi trở lại với vai chính kịch thường rất khó ăn nhập. Với anh thì sao?

Khi tôi được thầy Doãn Hoàng Giang giao trọng trách là vào vai Chu Văn An trong vở “Chu Văn An - người thầy của muôn đời” năm 2013 và vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong vở “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sáng trong như ngọc một con người” vào tháng 9/2014, đã có nhiều ý kiến cho rằng, Tự Long quen đóng các vai hề, hài, quen cung cách diễn bắng nhắng thì sao có thể vào vai chính diện được?

Và quả nhiên, khi vừa ra sân khấu ở vai Nguyễn Chí Thanh, khán giả nhìn thấy tôi lập tức cười ồ lên, không tin đó là một vị tướng. Thế nhưng, sau vài phút, khán giả đã hoàn toàn quên mất đó là Tự Long diễn viên hài mà chỉ nhìn thấy một Nguyễn Chí Thanh, một nhân cách lớn.

Vì sao tôi làm được điều đó? Từ bé tôi đã có cái tính muốn làm gì là phải làm bằng được. Trong kịch hát rất hay bị một hạn chế là các diễn viên thường lười học hỏi, tìm tòi, sáng tạo. Họ chỉ biết hát đúng nhân vật ấy, lối diễn ấy trên sân khấu, chấp nhận bó hẹp mình trong khung diễn mà ngại thay đổi bản thân.

Người diễn viên giỏi là phải kinh qua tất cả các vị trí từ vai phụ, vai chính, thậm chí cả những chân long tong như bốc vác, sắp đồ, căng phông, bạt sân khấu mỗi khi đoàn đi diễn lưu động. Tất cả những cái đó là sự va chạm với cuộc sống mà một người diễn viên cần phải có để mang nó vào vai diễn.

Cảm ơn nghệ sĩ Tự Long!

Tin nổi bật