Cụ thể, theo Điều 53 Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2024, lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian như sau:
- 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường.
- 7 ngày làm việc khi vợ sinh con cần phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi.
- 10 ngày làm việc khi vợ sinh đôi. Lao động nam sẽ được nghỉ thêm 3 ngày (tức 13 ngày) cho mỗi con tính từ con thứ 3 trở đi trong trường hợp sinh 3 trở lên.
- 14 ngày làm việc khi vợ sinh đôi phải phẫu thuật. Trường hợp sinh 3 trở lên phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ thêm 3 ngày cho mỗi con tính từ con thứ 3 trở đi.
Ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (bao gồm cả trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần) phải trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con. Tổng thời gian nghỉ không được vượt quá mức quy định.
Như vậy, từ 1/7/2025, pháp luật cho phép lao động nam được nghỉ chăm vợ sinh con trong 60 ngày đầu kể từ khi vợ sinh thay vì chỉ được nghỉ trong 30 ngày đầu như trước ngày 1/7/2025, nhưng không được nghỉ tổng số thời gian vượt quá thời gian quy định tại khoản 2 điều 53 Luật BHXH 2024, theo Thời báo VTV.
Ngoài ra, người chồng có thể xin nghỉ nhiều hơn thời gian kể trên nhưng không được tính hưởng thai sản bằng cách xin nghỉ phép năm hoặc xin nghỉ không lương.
Ảnh minh họa
Trợ cấp một lần khi sinh mỗi con bằng 2 lần mức tham chiếu
Từ 1/7/2025, trợ cấp một lần khi sinh con được tính bằng 2 lần mức tham chiếu tại thời điểm sinh. Hiện tại, mức tham chiếu tương đương mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, tức trợ cấp sinh con khoảng 4,68 triệu đồng/con.
Điều 60 về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, mức hưởng cho 1 ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.