Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tự hào kể chuyện "Trường Sa- Tổ quốc nơi đầu sóng" bằng những hình ảnh vô giá

(DS&PL) -

Hơn 20 năm bấm máy, nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng tích lũy cho mình vô số hình ảnh, tham gia nhiều triển lãm cấp quốc gia.

Hơn 20 năm bấm máy, nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng tích lũy cho mình vô số hình ảnh, tham gia nhiều triển lãm cấp quốc gia. Thế nhưng, với ông, 4 lần đi Trường Sa và kho ảnh về cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió là kỷ niệm, là tài sản vô giá. Tiếp cận những bức ảnh của ông về Trường Sa, nhiều thanh niên đã thay đổi cách nghĩ, thêm yêu thương vùng biển đảo của Tổ quốc và tình nguyện đi Trường Sa làm nhiệm vụ.

Ba năm “săn ảnh” xuyên Việt bằng xe máy

Tôi gặp ông vào một sáng không hẹn trước. Như bao ngày, ông lặng lẽ ngồi góc quán cà phê quen để đọc vội mẩu tin trước khi vác máy đi săn ảnh. Không râu tóc “um tùm” như những năm xuyên Việt và dù nay râu đã có sợi bạc nhưng tôi chưa thấy ở ông dấu hiệu của việc sẽ thôi đam mê ảnh. Bởi ông vẫn hay nói: “Có thời gian là tôi chụp. Tôi chụp mọi lúc mọi nơi. Với tôi, vạn vật luôn là đề tài mới mẻ”. Thế nên có gặp ông, tôi mới cảm nhận hết niềm đam mê bất tận với ảnh của ông. Nghe thông tin về một thời, ông chụp tất cả di tích, dòng sông nổi tiếng, một mình xuyên Việt săn ảnh, tôi vừa trân trọng vừa khâm phục.

Ngồi nghe ông kể về hành trình một mình chinh phục mọi cung đường quê Việt, bất cứ ai cũng phải rùng mình. Bởi, trên hành trình ấy, bạn đồng hành của ông, chiếc xe máy hiệu Honda Future đã 8 lần phải “thay áo”. Ông nói: “Trên đường, những điều không mong đợi có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trước khi đi, tôi cũng đã chuẩn bị cho mình tâm thế nhất định. Về hành trang, ngoài quần áo thông thường, tôi chỉ chuẩn bị cho mình thêm hai cái áo mưa và một đôi bốt. Trước khi đến địa điểm nào, tôi cũng tìm hiểu kỹ trước và liên hệ người địa phương đó giúp đỡ. Thế mà, trên đường, tôi vẫn không tránh khỏi những trắc trở. Và, kỷ niệm nhớ nhất là trong 3 năm, tôi phải thay dàn áo cho chiếc xe máy của mình đến 8 lần. Đó là những lần tôi gặp tai nạn giao thông”.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng.

Ông kể, trong suốt 3 năm ấy, ông cứ đi, ăn ngủ trên các cung đường. Sang thì vào khách sạn, bình thường thì ngủ nhà dân. “Hồi đó, tôi đi như một thằng điên. Lúc đầu, áo quần chỉnh tề lắm nhưng về sau dường như chỉ còn một bộ quần áo trên người. Hành trang lúc này chỉ là một cái balo chứa máy ảnh và một chiếc laptop. Thế rồi cứ đi. Xe lủng bánh ở đâu, tôi đốt lửa ngủ lại tại đó bất kể là đang ở vùng đồng bằng hay rừng núi. Để đảm bảo an toàn, tôi thay ngay săm xe mới sau mỗi lần bị thủng. Bởi chạy đường dài, tôi sợ vết vá không chịu nổi. Thế mà, tôi vẫn phải nằm bệnh viện tổng cộng 3 tháng. Nhiều khi, tôi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Hỏi ra mới biết, tôi gặp tai nạn trên đường đến bất tỉnh và được người dân đưa vào bệnh viện”, ông chia sẻ.

Và rồi, sau những lần “thập tử nhất sinh”, ông mang về cho người xem “một cái gì đó về quê hương đất nước Việt Nam mà chưa ai nhìn thấy ở đâu đó”. Ông tự đánh giá như vậy về những bức ảnh mà ông xem là vốn quý của mình. Thế nhưng, qua ảnh của ông, người xem như đã gom lại những hình ảnh, nét đẹp của quê Việt vào tầm mắt. Và sau hành trình dài 1.000 ngày ấy, ông mang về một kho ảnh đồ sộ. Với kho ảnh này, ngoài chuyện in sách, ông mong muốn xây dựng một bảo tàng 54 dân tộc bằng ảnh.

Kể chuyện Trường Sa bằng ảnh

Trong câu chuyện về kho ảnh đồ sộ và tự nhận mình là người sở hữu nhiều ổ cứng nhất, tôi thấy ông đầy tự hào và càng kiêu hãnh hơn khi cái tên Trường Sa được nhắc đến. Ông nói, ông thương nhớ Trường Sa như thương nhớ đứa con ruột nơi xa xôi. Với ông, Trường Sa ẩn chứa một sức sống mãnh liệt, can trường,... Sức sống ấy không chỉ có con người, nó còn thể hiện ngay cả ở động thực vật và cả những gì mà ta tưởng như vô tri. “Nếu bạn có duyên có ra Trường Sa, lang thang bãi cát hay gành đá. Bạn sẽ cảm nhận dường như đá sỏi cũng thấm đẫm một niềm tự hào lớn lao mang tên tinh thần dân tộc Việt”, ông nói.

Chẳng vì thế mà, ông có tận 4 lần đến thăm, tác nghiệp tại huyện đảo thân thương này. Đó là những hành trình gian khó nhưng đã để lại cho ông kho ảnh vô giá mà ông tự hào gọi đó là những kỷ vật của đời mình. Lần đầu tiên ông đến Trường Sa là vào 6/2011. Lần ấy, nhiều tay ảnh đã do dự muốn quay về riêng ông vẫn hào hứng, hăng hái ra khơi. “Sóng ở Trường Sa cao lắm, lúc đi tôi cũng sợ nhưng khi đặt chân đến đảo thì sướng lắm. Vừa đặt chân lên đất liền là tôi lia máy chụp. Tôi chụp lấy chụp để, chụp như chưa từng được chụp. Trong chuyến đi đầu tiên ấy, tôi đã chụp hơn một nghìn tấm ảnh với các góc độ sống động khác nhau về Trường Sa”, ông kể.

Với ông, Trường Sa đẹp từ hình ảnh những con người thầm lặng hy sinh tuổi xuân của mình, ngày đêm kiên cường bám biển, bám đảo, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương đến cái cây, ngọn cỏ. Đó là động lực thúc giục ông đến Trường Sa thêm ba lần nữa để ghi lại cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Và, thành quả của những lần đối mặt với sóng dữ ấy là triển lãm “Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng” tại Thủ đô Hà Nội ngày 12/12/2012. Gần 5.000 tấm ảnh là ngần ấy góc nhìn sinh động về đảo và tình quân dân Trường Sa. Tất cả những tấm ảnh từ bia chủ quyền, triền cát, chim muông, cá biển, cỏ cây, âu tàu, đèn biển, đến chủ nhân của đảo là những người lính can trường thầm lặng hy sinh.

Nếu như “Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng” chuyển đến một thông điệp: Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì tập sách “Sức sống Trường Sa” là lời tri ân đối với anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và mong muốn chung tay tiếp thêm tinh thần cho quân và dân đang ngày đêm kiên cường bám biển, bám đảo, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, góp phần giúp bạn đọc trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quần đảo Trường Sa. Những thông điệp hiển hiện trên các bức ảnh của ông khiến người xem rơi nước mắt. Có thanh niên Thủ đô đã viết đơn tình nguyện đi Trường Sa làm nhiệm vụ sau khi xem những bức ảnh của ông.

Ông kể: “Tôi cũng bất ngờ về sức lan tỏa của những bức ảnh. Trong trái tim người Việt Nam luôn sẵn lòng yêu nước. Và khi chứng kiến cảnh những con người hy sinh tất cả để ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi đầu sóng ngọn gió thì tinh thần ấy tự nhiên sẽ dâng trào. Tôi nhớ, trong triển lãm “Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng” có một người đã chụp lại hết các bức ảnh của tôi rồi đem in ra phát cho các em học sinh. Tìm hiểu, tôi mới biết người này muốn thế hệ tương lai biết nhiều hơn để yêu nhiều hơn Trường Sa”.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng sinh năm 1961 tại Trà Vinh, sau đó, theo gia đình lên TP.HCM sinh sống. Với những đóng góp của mình cho Trường Sa, ông đã 3 lần được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyển, biển đảo của Tổ quốc. Hiện, ông là Chủ nhiệm CLB Ảnh Báo chí hội Nhà báo TP.HCM.

Ngọc Lài 

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 13

Tin nổi bật