Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy sẽ in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của bộ Công Thương; phải dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát.
Ngày 1/1, Thông tư 59/2018/TT-BGTVT của bộ Giao thông Vận tải về hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chính thức có hiệu lực.
Theo đó, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy sẽ in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của bộ Công Thương; phải dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn năng lượng phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe máy duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Từ 1/1, xe máy phải dán nhãn năng lượng như ôtô trước khi được đưa ra thị trường. Ảnh: Báo Giao thông |
Trước khi thực hiện việc dán nhãn năng lượng, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe bằng hình thức gửi bản công khai mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe tới cơ quan quản lý chất lượng để công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý; phải đăng tải mức tiêu thụ nhiên liệu trên trang thông tin điện tử của mình nếu có.
Hàng năm, cơ quan quản lý chất lượng sẽ giám sát bằng cách lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và thực hiện dán nhãn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh xe máy theo quy định.
Cơ quan quản lý chất lượng cũng sẽ kiểm tra đột xuất nếu nhận được phản ánh, khiếu nại về dấu hiệu vi phạm quy định liên quan đến thực hiện dán nhãn năng lượng.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng liên quan mức tiêu thụ nhiên liệu đã công khai, cơ quan này có quyền yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thử nghiệm lại mức tiêu thụ nhiên liệu.
Như vậy, sau 2 năm từ khi triển khai việc bắt buộc dán nhãn năng lượng với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống tại Việt Nam, quy định này đã được áp dụng với xe máy.
Vũ Đậu (T/h)