Nhiều quy định mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Để giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường do khí thải động cơ như hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 27/6/2024, trong đó có nhiều nội dung mới bao gồm việc kiểm định khí thải xe máy.
Theo đó, việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quy định trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Nhân viên tiến hành kiểm định khí thải xe máy.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Điều 42 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định.
- Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Việc kiểm định khí thải do đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Sau đó, giấy chứng nhận sẽ được cấp cho chủ xe máy khi hoàn tất thủ tục.
So với ô tô và xe máy chuyên dùng thì xe máy phổ thông không phải kiểm định an toàn kỹ thuật. Các thông tin về thời hạn, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành trong thời gian này.
Việc kiểm định khí thải xe máy sẽ được thực hiện theo lộ trình
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, ông Nguyễn Tô An, phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, tuy nhiên việc kiểm định khí thải với tất cả xe máy sẽ thực hiện theo lộ trình áp dụng của Chính phủ ban hành.
Cụ thể, theo ông An, việc kiểm định khí thải sẽ được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ ban hành. Lộ trình này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và trình Chính phủ.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam
"Chính phủ sẽ ấn định lộ trình, thời điểm, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức triển khai và nhóm xe máy cụ thể phải kiểm định khí thải. Đơn cử, xe máy mới có thể không phải kiểm định khí thải trong 2 - 3 năm đầu. Nhưng với những xe mới nhập khẩu, sản xuất lắp ráp đang được kiểm soát khí thải, chỉ còn những phương tiện cũ đang tham gia giao thông chưa được kiểm soát.
Như vậy, các cơ quan nghiên cứu sẽ xem xét ban hành các quy định phù hợp với thực tế. Ví dụ, các xe mới sẽ chưa thực hiện kiểm định khí thải ngay, mà sau 2-3 năm mới phải kiểm định. Còn các xe sử dụng các năm như thế nào sẽ có tính toán cụ thể, chi tiết", ông An cho biết.
Trước lo ngại về việc phát sinh quy trình, thủ tục, ông An cho biết việc kiểm định khí thải của xe máy rất đơn giản và nhanh chóng, chỉ mất vài phút, nên không gây nhiều xáo trộn cho người dân và xã hội. Chỉ có xe kiểm định không đạt mới cần bảo dưỡng, sửa chữa lại để đạt yêu cầu.
"Xe không đạt tiêu chuẩn bắt buộc phải đi khắc phục, sửa chữa. Khi chủ phương tiện đưa xe đi khắc phục, sửa chữa sao cho đạt mức tiêu chuẩn khí thải thì phương tiện cũng sẽ được chăm sóc để đảm bảo cả về an toàn. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà quy định này hướng tới", ông An nhấn mạnh.
Ông An cho biết thêm, hiện nay do lượng xe máy sử dụng ở nước ta rất đông và tồn tại rất nhiều xe máy đã sử dụng thời gian dài nên các đơn vị đã có tính toán phương án, cách thức thực hiện sao cho hài hòa, hợp lý, khả thi nhất. Dự kiến sẽ tận dụng tối đa các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa của các đại lý xe máy đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để làm trạm kiểm định khí thải.
Đề xuất kiểm định khí thải đối với xe máy từng được Bộ GTVT đưa ra trong dự thảo luật Đường bộ (cũng tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008) do cơ quan này chủ trì soạn thảo. Bộ GTVT dẫn báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cho thấy phát thải khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị. Trong đó, mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu xe mô tô, xe gắn máy; riêng tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe, trong đó gần 3 triệu xe cũ sản xuất trước năm 2000.
Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ áp dụng kiểm soát nguồn khí thải đối với ô tô và xe máy mới, còn xe máy đang sử dụng thì không. Điều này nếu không được giải quyết sẽ làm gia tăng lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn.