Để giải quyết vướng mắc của các dự án BOT hiện nay, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên mua lại các dự án BOT. Tuy nhiên, một ĐBQH đã cho rằng, ngân sách nhà nước hiện tại không thể làm việc đó.
Sau khi, bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư, các đơn vị khẩn trương nghiên cứu các phương án xử lý “gỡ rối” tại trạm BOT Cai Lậy, tổng cục ĐBVN đã tổ chức đếm xe qua lại quốc lộ 1 và đường tránh thị xã Cai Lậy.
Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ đã xác nhận thông tin với báo chí rằng, Ban quản lý dự án 8 phối hợp với BOT Tiền Giang và các đơn vị liên quan đã có báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc đếm xe qua lại trên quốc lộ 1 và tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Việc đếm xe đã hoàn thành, Tổng cục đường bộ cũng đã có phương án, còn số liệu đếm xe chỉ nhằm phục vụ tính toán cho các phương án sắp tới nên chưa thể công bố được.
Và đây chỉ là một dữ liệu ngoài ra còn nhiều dữ liệu khác để tìm ra phương án xử lý cho BOT Cai Lậy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngân sách Nhà nước không đủ để mua BOT. Nếu mua 1 trạm BOT sẽ gây hiệu ứng cho các trạm BOT còn lại. (Ảnh BOT Cai Lậy) |
Trao đổi với PV, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những gì bộ GTVT đang nỗ lực nghiên cứu để tìm ra các giải pháp giải quyết những bất cập tại các trạm BOT là rất đáng mừng. Trong khi đó, Thủ tưởng cũng rất quan tâm tới lĩnh vực này và đã có những chỉ đạo kịp thời để bộ GTVT và các đơn vị tìm ra mấu chốt vấn đề.
"Để nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, chúng ta không thể nhìn bên ngoài mà đánh giá đúng sai về một dự án BOT, vì BOT là một chủ trương rất lớn, rất đúng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, BOT được thực hiện bởi những cơ quan nhà nước có thẩm quyền rất cao từ Trương ương đến các bộ, có giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, khi thực hiện vẫn có những lỗ hổng dẫn đến những bất cập xảy ra như hiện nay, vì vậy Bộ GTVT cần phải rút kinh nghiệm tìm ra gốc rễ vấn đề để sửa chữa", ông Doanh nói.
Về các phương án của BOT Cai Lậy đã được đưa ra, ông Doanh cho rằng, hiện tượng như ở Cai Lậy là bài học chung cho tất cả chúng ta và phải rút kinh nghiệm. Đối với các phương án mà bộ GTVT và các chuyên gia đưa ra đều có ưu, nhược điểm. Trong khi ngân sách của chúng ta đang hạn hẹp thì việc di dời trạm thu phí là rất khó, nếu nhà nước có đủ kinh phí để mua lại trạm thì không cần phải kêu gọi đầu tư BOT.
"Đối với phương án được các chuyên gia đề xuất là giữ nguyên như hiện tại để thu phí hoàn đủ số vốn 300 tỷ nhà đầu tư bỏ ra để nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai lậy, sau đó di chuyển trạm này về tuyến tránh cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, bộ GTVT cần phải lấy ý kiến người dân phải lắng nghe, hoàn toàn hết sức nghiêm túc để xem xét tính toán lại cho hợp", ông Doanh cho hay.
Ông Doanh cũng nêu quan điểm rất hoan nghênh việc Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1 đến 2 tháng để bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.
Với "điểm nóng" Cai Lậy, Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của bộ GTVT, tổng cục đã phối với các đơn vị, cùng Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang và Sở GTVT Tiền Giang tổ chức đếm xe qua lại quốc lộ 1 và đường tránh thị xã Cai Lậy được hai ngày. Việc đếm xe là để tính toán các giải pháp và phân tích ưu, nhược điểm của các phương án xử lý những vấn đề liên quan đến BOT Cai Lậy. Cho đến thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định được di dời trạm hay giữ nguyên trạm để thu phí vì vẫn đang phân tích ưu nhược điểm của các phương án.
Ở một diễn biến khác, trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Đà Nẵng, liên quan đến thắc mắc về kiểm toán đối với các dự án BOT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng tình với cử tri và cho rằng, không chỉ các cử tri quan tâm mà cả Quốc hội cũng quan tâm, cùng nêu lên để có định chế giám sát kỹ lưỡng. “Cứ tưởng các ông kiểm toán là chuẩn mực nhất, nhưng đôi khi cũng có vai trò cá nhân trong đó. Họ cũng là con người, yếu tố con người thì khó mà tránh được. Nhưng làm sao phải giám sát để không xảy ra sai phạm? Đó là vấn đề không chỉ cử tri nêu lên, mà Quốc hội cũng đã nêu lên”, ông Nghĩa cho biết.
Một số cử tri cho rằng, vướng mắc của các dự án BOT hiện nay, Nhà nước đã nghĩ đến chuyện mua lại các dự án BOT, ông Nghĩa cho biết, ngân sách nhà nước hiện tại không thể làm việc đó.
"Các dự án giao thông BOT thời gian qua đã huy động khoảng 92.000 tỷ đồng. Nhà nước mua lại thì tiền đâu ra. Vấn đề này rất khó, nên chỉ có thể đi tìm cách giải quyết để sao cho hài hòa. Có những dự án rủi ro rất lớn vì nhà đầu tư chỉ bỏ từ 10 - 15% vốn, còn lại vay ngân hàng. Thế chấp bằng quyền thu phí của dự án. Tình hình “vỡ trận” như hiện nay, sẽ có câu chuyện nhà đầu tư trả lại cho ngân hàng, Nhà nước nếu như các lợi ích không hài hòa", ông Nghĩa nói.
Theo Bí thư thành ủy Đà Nẵng, vấn đề BOT hiện Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT báo cáo đầy đủ và Chính phủ sẽ có quyết sách hết sức căn cơ. "Vừa qua Quốc hội đã thông qua gói 55.000 tỷ để làm các đoạn đường cao tốc trên trục Bắc - Nam bằng hình thức PPP, huy động doanh nghiệp, Nhà nước chỉ bỏ 40%. Tuy nhiên, tình hình hiện nay, các nhà đầu tư có dám đầu tư nữa hay không, đây là vấn đề nan giải", ông Nghĩa cho hay.
Một số chuyên gia cầu đường cho rằng, câu chuyện BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, BOT Cai Lậy và nhiều tuyến BOT khác vốn là câu chuyện của quá khứ. Cái sai ở đây (nếu có) thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc “chữa cháy”, tìm ra một phương án phù hợp trong bối cảnh hiện tại khá khó khăn và ít nhiều sẽ bị vướng. Tuy nhiên, đề xuất phương án xử lý nào cũng cần dựa vào nguyên tắc, những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và cần có sự thống nhất cao của các bên liên quan. Không có lý do gì mà nhà đầu tư đã bỏ tiền đầu tư, hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng mà không được thu phí. Đây không phải là câu chuyện riêng của nhà đầu tư, mà là trách nhiệm chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương có dự án đi qua. Vì thế, khi thực tế phát sinh những vấn đề vướng mắc, các bên liên quan cần vào cuộc để sớm giải quyết vấn đề, không nên né tránh, bỏ mặc Nhà đầu tư vì hệ lụy sẽ rất lớn.
Hoàng Dung (T/h)