Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đổ lỗi cho một viện bảo tàng ở Mỹ vì khiến bức tượng chiến binh đất nung 2000 năm tuổi bị phá hoại.
Các phóng viên từ đài truyền hình CCTV và 2 chuyên gia Trung Quốc trong tuần này đã viếng thăm Viện bảo tàng Franklin ở Pennsylvania, nơi đang mượn 10 bức tượng binh sĩ trong Đội quân đất nung nổi tiếng thế giới của Trung Quốc để trưng bày.
Chuyến đi diễn ra sau khi Michael Rohana, một công dân Mỹ, bị cáo buộc làm gãy và đánh cắp ngón tay cái của bức tượng đất nung 2.000 năm tuổi ở Bảo tàng Franklin hôm 21/12. Khi đó Rohana đã tham dự một bữa tiệc nhân dịp Giáng sinh tại bảo tàng này. Tuy nhiên, người này sau đó đã được trả tự do.
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), chiến binh đất nung ước tính trị giá tới 4,5 triệu USD.
Chiến binh đất nung bị mất một ngón tay. Ảnh: CCTV |
Theo một đánh giá của CCTV hôm 21/2, việc tổ chức một bữa tiệc trong bảo tàng “thực sự là hoạt động tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp".
Michael Rohana, 24 tuổi, đang tham dự một bữa tiệc Giáng sinh ở viện bảo tàng. Tại đây, anh ta đã bước vào phòng trưng bày “Đội quân đất nung và vị hoàng đế đầu tiên”. Rohana đã chụp ảnh chung với bức tượng trước khi làm gãy một ngón tay cái ở bàn tay trái và cho vào túi mang về nhà.
Một bản báo cáo chính thức của tờ Beijing Youth Daily hôm 18/2 cho biết cánh cửa vào phòng trưng bày đã được mở khóa. Rào cản duy nhất giữa du khách và những bức tượng là băng keo an ninh. Sau khi thăm bảo tàng, CCTV đã cáo buộc viện bảo tàng Mỹ không chuẩn bị một rào chắn kiên cố xung quanh phòng trưng bày.
"Một số viện bảo tàng của Mỹ chú trọng vào các cuộc triển lãm tương tác. Vì vậy, những người đến tham quan bảo tàng có thể đến gần những vật thể trưng bày và hiếm khi họ áp dụng những biện pháp đặc biệt để bảo vệ cổ vật", bản báo cáo cho biết. Phía Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi tại sao phải mất tới 18 ngày bảo tàng mới phát hiện ra hành vi trộm cắp.
Những bức tượng đất nung được khai quật bên trong lăng mộ vua Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Getty |
Trung tâm Xúc tiến Di sản Văn hoá Thiểm Tây, nơi cho bảo tàng mượn các bức tượng đã bày tỏ "sự oán giận" về vụ việc, kêu gọi một sự trừng phạt nặng nề đối với Rohana và yêu cầu bảo tàng bên Mỹ phải tìm ra ai chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh.
10 bức tượng có kích thước thật đã được trưng bày tại Philadelphia từ tháng 9/2017 và dự kiến kết thúc vào tháng 3 tới, là một phần trong đội quân đất nung gồm khoảng 8.000 tượng binh sĩ, ngựa và xe ngựa từng được khai quật ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Được tìm thấy bên trong lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, các bức tượng này có niên đại từ năm 210-209 TCN.
Tại bảo tàng ở Tây An, nơi có 2.000 chiến binh được trưng bày, du khách không được đến gần các bức tượng.
Ở Anh, 10 bức tượng tương tự cũng đã được Trung Quốc cho Bảo tàng Thế giới tại Liverpool mượn cho tới tháng 10 năm nay và được trưng bày sau các tấm kính.
Đây không phải là lần đầu tiên một chiến binh đất nung bị hư hại trong khi Trung Quốc cho bảo tàng ở nước ngoài mượn. Theo một báo cáo của tờ The Mirror, vào năm 1983, tại viện bảo tàng ở Nhật Bản, một du khách đã trèo qua hàng rào, phá vỡ tủ kính quanh các chiến binh và đẩy một trong những bức tượng 300kg, gây ra "thiệt hại nghiêm trọng".
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chính thức xin lỗi về vụ việc và sau đó đã trả một khoản tiền để bồi thường tổn thất.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)