Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Truy tìm đối tượng tự xưng Giám đốc Công an, Chủ tịch UBND tỉnh để lừa đảo

(DS&PL) -

Gọi điện cho giám đốc chi nhánh ngân hàng, xưng lãnh đạo tỉnh rồi nói đang cần tiền lo cho người nhà để chiếm đoạt 30 triệu đồng.

Lực lượng chức năng đang điều tra, truy bắt đối tượng đã giả danh Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lừa đảo chiếm đoạt số tiền 30 triệu đồng.

Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, chiều 6/3, đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết công an tỉnh đang phối hợp Công an tỉnh Đồng Tháp tổ chức điều tra làm rõ vụ giả lãnh đạo tỉnh và giả danh giám đốc công an tỉnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ lừa đảo, báo Tuổi trẻ cho biết, theo điều tra ban đầu, khoảng 14h30 ngày 9/2, bà N.H.T, chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại di động T.C (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) nhận được điện thoại từ đầu số 0907.902… của một người đàn ông tự xưng giám đốc công an tỉnh Đồng Nai và đề nghị bà H. bán cho người này một điện thoại di động Iphone 7 Plus.

Bà H. báo giá 22 triệu đồng, người đàn ông đồng ý và xin bà H. số tài khoản ngân hàng để nhờ người thân ở Đồng Tháp chuyển tiền thanh toán.

Đến khoảng 16h15, điện thoại của bà H. nhận được tin nhắn từ ngân hàng thông báo vừa được chuyển vào tài khoản số tiền 30 triệu đồng và nội dung “Anh D.- UBND tỉnh Đồng Tháp gửi”.

Ít phút sau, người đàn ông tự xưng giám đốc công an tỉnh Đồng Nai gọi lại hỏi bà H. nhận được tiền chưa để cho người đến nhận hàng. Bà H. trả lời đã nhận tiền. Một lúc sau, một thanh niên đi xe máy đến gặp bà H. nhận điện thoại theo thỏa thuận ban đầu và 8 triệu đồng tiền thừa.

Cũng theo hồ sơ vụ án, khoảng 16h ngày 9/2, ông H.X.T, giám đốc một ngân hàng chi nhánh tại tỉnh Đồng Tháp nhận được điện thoại cũng từ đầu số 0907.902… của một người đàn ông tự xưng là chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Người này cho biết đang cần gấp 20 triệu đồng để đóng viện phí cho người thân bị tai nạn ở Đồng Nai và nhờ ông T. chuyển giúp vào số tài khoản của bà H. ở Đồng Nai. Khoảng 5-10 phút sau, người này tiếp tục nhờ ông T. chuyển thêm 10 triệu đồng vào số tài khoản trên.

Ông T. tưởng người này là chủ tịch UBND tỉnh thật nên đã chuyển tiền vào số tài khoản trên tổng cộng 30 triệu đồng. Qua xác minh, đây chính là số tiền kẻ gian dùng mua điện thoại bà H.

Giả danh lãnh đạo để lừa đảo (Ảnh: Báo Thanh niên)

Cùng đưa tin, báo Thanh niên thông tin thêm, ngoài vụ việc trên, Công an tỉnh Đồng Nai còn nhận được phản ánh một trường hợp tương tự.

Cụ thể, vào ngày 13/2, ông P.N.T., Giám đốc một Công ty taxi trên địa bàn nhận được điện thoại từ số 0906.196..., giọng một nam giới tự xưng là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và đề nghị ông Tuấn cung cấp số tài khoản để nhờ nhận tiền từ người nhà Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chuyển đến nhằm giải quyết một vụ tai nạn giao thông tại TX.Long Khánh (Đồng Nai). Tuy nhiên, do nghi ngờ nên ông Tuấn đã không thực hiện và báo Công an tỉnh Đồng Nai.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn mới, hết sức chuyên nghiệp và tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Đồng Tháp. Công an tỉnh Đồng Nai cũng dự báo vụ việc tương tự có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới nên người dân cần cảnh giác.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo


(Tổng hợp)

Tin nổi bật