Gần 3 triệu/học sinh cho một hoạt động ngoại khóa
Báo Giáo dục thời đại đưa tin, vừa qua, một số phụ huynh khối lớp 12, Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng phản ánh về việc nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá đồng thời thu của các phụ huynh số tiền tương đối lớn.
Cụ thể, theo nội dung phản ánh, đầu năm học, nhà trường tổ chức cho học sinh đi Hạ Long 2 ngày, chi phí hơn 2 triệu đồng/học sinh. Đến tháng 3 này, nhà trường lại tổ chức đi dâng hương, trải nghiệm và thông báo mức thu tiền với từng phụ huynh là 2.830.000 đồng/học sinh.
Nguồn tin cho biết, chương trình trải nghiệm cho học sinh khối 12 sẽ diễn ra vào ngày 13,14,15 tháng 3 và giáo viên chủ nhiệm lớp yêu cầu phụ huynh đến ngày 9/3 hoàn thiện khoản đóng góp.
Với nội dung này, nhiều phụ huynh đã bày tỏ quan điểm không đồng tình do việc tổ chức hoạt động trải nghiệm đối với học sinh lớp 12 thời điểm các em đang tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các em. Bên cạnh đó, theo nhiều phụ huynh, số tiền nhà trường yêu cầu đóng góp cho hoạt động ngoại khóa là gần 3 triệu, đây là số tiền tương đối lớn với nhiều gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Sở GD&ĐT Hải Phòng yêu cầu Trường THPT Lê Hồng Phong dừng hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Tạp chí Tri thức.
Trước thông tin phản ánh của các bậc phụ huynh, ông Đinh Hồng Tiệp- Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong đã lên tiếng trần tình. Theo ông Tiệp, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm “Theo dòng lịch sử” cho học sinh lớp 12 của nhà trường đã được lên kế hoạch từ đầu năm và đã báo cáo về Sở GD&ĐT, được Sở cho phép. Một năm, mỗi khối chỉ có 1 hoạt động trải nghiệm chứ không có đến 2 hoạt động như phản ánh của phụ huynh.
Cũng theo ông Tiệp, với lớp 12 (theo chương trình GDPT 2006) nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khoá theo chủ đề tích hợp các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Giáo dục An ninh Quốc phòng. Hoạt động này, giúp học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kĩ năng các môn học trong nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau. Các em được hoạt động tập thể, làm việc nhóm để trao đổi thảo luận về các chủ đề liên quan đến hoạt động, viết bài thu hoạch gửi về nhà trường.
Bên cạnh đó, ông Tiệp cũng nhấn mạnh, đây là hoạt động ngoại khóa nhà trường thiết kế trong 16 tiết học, trong đó có 4 tiết học sinh được hướng dẫn, nghiên cứu về các di tích lịch sử, các nội dung liên môn trước khi đi trải nghiệm; 11 tiết dành cho hành trình trải nghiệm trong 3 ngày 13,14,15/3; 1 tiết học sinh báo cáo kết quả.
Hoạt động ngoại khoá theo chương trình học sinh không phải đóng tiền. Tuy nhiên, chương trình diễn ra ngoài nhà trường phát sinh kinh phí đi lại, ăn ở, phí vé thăm quan vì thế nhà trường liên kết với Trung tâm Giáo dục STEAM và trải nghiệm VECTOR (thuộc Công ty Giáo dục Nguyễn Kim) để thực hiện các dịch vụ, đảm bảo an toàn cho chuyến trải nghiệm. Mỗi học sinh tham gia trên tình thần tự nguyện sẽ đóng góp là 2.830.000 đồng, ông Tiệp lý giải về khoản đóng góp theo phản ánh của phụ huynh.
Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đạo
Trao đổi với Tạp chí Tri thức về vụ việc, ông Trần Tiến Chinh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hải Phòng thông tin theo quy định, hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 nằm trong chương trình GDPT 2006, nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, do giáo viên chủ nhiệm dạy.
Bên cạnh đó, nhà trường có tiết hoạt động tập thể để tổ chức toàn khối tham gia. Các nhà trường vận dụng tiết học đó để tổ chức các hoạt động tập thể, trải nghiệm. Khi vận dụng, đơn vị trường học nếu được cha mẹ học sinh đồng thuận, phối hợp sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường; nếu không sẽ tổ chức hoạt động đó trong nhà trường.
Vị đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng bày tỏ quan điểm, đơn vị chỉ đồng ý cho các đơn vị trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 12 năm học 2023-2024 ngoài nhà trường khi đơn vị đảm bảo được sự đồng thuận, phối hợp của cha mẹ học sinh, với kinh phí đóng góp phù hợp sức dân.
Theo đại diện sở, hiện tại, trường THPT Lê Hồng Phong đã triển khai chủ trương tổ chức chương trình trải nghiệm, có phương án riêng cho các học sinh có điều kiện, hoặc không có điều kiện tham gia. Dù ở phương án nào, yêu cầu kiến thức sau khi kết thúc hoạt động vẫn được đảm bảo.
Nhưng khi một số ý kiến của phụ huynh và dư luận về kinh phí cho hoạt động trải nghiệm, Sở GD&ĐT yêu cầu trường THPT Lê Hồng Phong tiếp tục xin ý kiến cha mẹ học sinh.
Nếu tiếp tục không nhận được sự đồng thuận, nhà trường sẽ thông tin rộng rãi tới cha mẹ học sinh, đồng thời báo cáo sở dừng hoạt động trải nghiệm ngoài trường theo kế hoạch, chuyển hình thức trải nghiệm trong trường. Như vậy, trước mắt, hiện hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong đã tạm dừng, đây là khẳng định của ông Đỗ Văn Lợi- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng.
Bảo An (T/h)