Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trường Quốc Học Huế được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Trường Quốc Học Huế là ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, là một trong những trường trung học phổ thông tốp đầu cả nước về quy mô đào tạo và cả về không gian kiến trúc.

Ngày 23/11, VietNamnet đưa tin, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Trường Quốc Học Huế, đình làng Dương Nổ, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Mai Thúc Loan và ở làng Dương Nổ (xã Phú Dương, TP.Huế).

Điều đặc biệt, tất cả các địa danh được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt nằm trong hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế.

Trường Quốc Học Huế được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: VnExpress

 

Theo thông tin đăng tải trên bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch, trường Quốc Học Huế là ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, là một trong những trường trung học phổ thông tốp đầu cả nước về quy mô đào tạo và cả về không gian kiến trúc. Trải qua 125 năm hình thành và phát triển, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tình nghĩa thầy trò vẫn được giữ gìn và phát huy cao độ.

Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ nơi này tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc, nhiều người đã trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, danh nhân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có người học trò ưu tú Nguyễn Tất Thành, sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn lớn của nhân dân lao động trên thế giới.

Tại ngôi trường này, năm 1908, Nguyễn Tất Thành - người học trò xứ Nghệ - một trong 10 học sinh giỏi nhất của Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học tại Pháp tự Quốc Học trường môn. Những năm tháng dưới mái trường Quốc Học đã ghi dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là nơi Người được học tập, tham gia nhiều hoạt động yêu nước sôi nổi cùng với nhân dân Thừa Thiên Huế; được những người thầy có nhân cách lớn, yêu nước, thương dân dìu dắt, dạy dỗ. Tất cả như tiếp thêm nguồn sức mạnh để Người thực hiện khát vọng lớn, hoài bão lớn.

Tuy học tập ở trường Quốc Học chỉ một năm, từ năm 1908 đến năm 1909 nhưng là một năm hết sức quan trọng tạo nên bước ngoặt trong quá trình hình thành tư tưởng cứu nước, cứu dân của Người trước tuổi 20.

Với giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt, Trường Quốc Học đã được bộ Văn hóa Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 26/3/1990 và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2020.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm ghi lại những dấu ấn đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi trường lịch sử này, tượng đài của Người được dựng lên ở vị trí trung tâm trường và Nhà lưu niệm Bác Hồ cùng với truyền thống trường Quốc Học cũng được hình thành trở thành nơi lưu giữ ký ức của các thế hệ thầy và trò trường Quốc Học và người học trò đặc biệt Nguyễn Tất Thành.

Nhiều năm qua, Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống trường Quốc Học Huế đã trở thành nơi tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nơi giáo dục các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, hiếu học, tôn sư trọng đạo; gìn giữ những thành tích đầy tự hào trong học tập, rèn luyện của nhà trường, và là nơi trở về của các thế hệ học sinh Quốc Học xưa và nay.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật