Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Một trong những nội dung báo cáo đề cập đến là vấn đề cải cách chính sách tiền lương (cải cách tiền lương).
Theo nội dung báo cáo nói trên, thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW kể từ ngày 1/7/2024.
Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay. Thay vào đó, nhà nước xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).
Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024), gồm:
1- Xây dựng 5 bảng lương mới;
2- Chế độ phụ cấp;
3- Chế độ tiền thưởng;
4- Chế độ nâng bậc lương;
5- Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương;
6- Quản lý tiền lương và thu nhập.
Trường hợp nào được tăng lương hưu sau khi cải cách tiền lương năm 2024? Ảnh minh họa.
Theo báo cáo, sau năm 2024 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.
Báo cáo nêu rõ căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ sẽ báo cáo Ban Cán sự đảng trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.
Như vậy, sau khi cải cách tiền lương, lương cơ bản của công chức viên chức sẽ chiếm khoảng 70% tổng lương. Vậy thì đối với người hưởng lương hưu thì cải cách chính sách tiền lương sẽ tác động như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, việc tính lương hưu đối với người nghỉ hưu tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được thực hiện theo công thức sau:
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng X Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Mặt khác, căn cứ Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, việc cải cách tiền lương sẽ thực hiện trên tinh thần là không làm giảm lương.
Theo đó, xét trong trường hợp cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương của các đối tượng tham gia BHXH thì: Nếu người tham gia BHXH nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và trước đó đã được hưởng mức lương mới thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó cũng sẽ tăng. Vì mức lương hưu được tính từ mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tỷ lệ hưởng lương hưu nên nếu quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu không thay đổi, khi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng, mức lương hưu cũng sẽ tăng.
Như vậy, người tham gia BHXH sẽ được tăng lương hưu nếu cải cách tiền lương làm tăng lương. Tuy nhiên, thực tế hiện tại, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương chưa được thông qua. Nên việc có tăng lương hưu từ 1/7/2024 hay không vẫn chưa có quyết định chính thức. Tuy nhiên, với những phân tích ở trên, đây vẫn là tín hiệu mừng dành cho hàng triệu người lao động, người hưởng lương hưu.
Điều kiện để được hưởng lương hưu hiện nay căn cứ theo quy định tại Điều 169, Bộ Luật lao động 2019: 1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. 2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. 3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ điều kiện về tuổi đời (tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2021 là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035) thì được hưởng chế độ hưu trí. |
Bảo An (T/h)