Sự việc xảy ra tại buổi lễ chào cờ của một trường trung học phổ thông ở thị trấn Lâu Để, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Trong đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một giáo viên của nhà trường đang sử dụng chiếc búa để đập mạnh vào hàng loạt điện thoại di động đang nằm dưới nền, cho đến khi những thiết bị này vỡ màn hình hoặc bung nắp máy.
Những chiếc điện thoại này sau đó còn bị nhúng vào trong một thùng nước để đảm bảo sản phẩm bị hư hỏng hoàn toàn. Hành động của nam giáo viên này được diễn ra trước sự chứng kiến của học sinh toàn trường.
Một giáo viên của nhà trường đang sử dụng chiếc búa để đập mạnh vào hàng loạt điện thoại di động dưới nền. Ảnh: Newsflare.
Ngay sau khi đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút được nhiều sự quan tâm, đại diện của nhà trường cho biết ban giám hiệu của trường đã quy định cấm tất cả học sinh mang và sử dụng điện thoại di động khi đến lớp, những ai vi phạm sẽ bị tịch thu và phá hủy điện thoại di động.
Những chiếc điện thoại bị đập vỡ trong đoạn clip là những thiết bị được tịch thu từ các học sinh vi phạm lệnh cấm.
Đại diện trường cũng cho biết nhà trường đã có buổi thảo luận với phụ huynh của các học sinh vi phạm lệnh cấm và đã được phụ huynh chấp thuận để nhà trường phá hủy những chiếc điện thoại di động tịch thu được.
Những chiếc điện thoại này sau đó còn bị nhúng vào trong một thùng nước để đảm bảo sản phẩm bị hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Newsflare.
"Chúng tôi đang nêu gương cho mọi người. Chúng tôi muốn nhắc nhở các học sinh rằng điện thoại không được phép mang vào khuôn viên trường, những ai vi phạm sẽ phải chịu hình phạt thích đáng", đại diện nhà trường chia sẻ.
Sự việc trên sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng tại Trung Quốc. Một số cư dân mạng đã ủng hộ, bênh vực nhà trường vì cho rằng hành động này sẽ giúp củng cố kỷ luật và ngăn chặn sự sao nhãng việc học.
"Nghiện điện thoại đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại Trung Quốc, đặc biệt trong giới trẻ. Các học sinh khi đến lớp cần phải tập trung vào việc học thay vì lãng phí thời gian vào điện thoại hoặc mạng xã hội. Thật tốt vì nhà trường đã nhận ra điều này", một người dùng mạng xã hội Weibo bình luận và nhận được nhiều sự đồng tình.
"Rõ ràng nhà trường đã có quy định cấm sử dụng điện thoại trong lớp học, vậy thì tại sao các em học sinh còn vi phạm? Nếu vi phạm mà dễ dàng bỏ qua thì các em sẽ không bao giờ rút ra được bài học cho riêng mình. Đã vi phạm thì phải bị xử lý, đó cũng là bài học đáng nhớ cho các em", một cư dân mạng khác nhận xét.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ cách làm của nhà trường, cũng có không ít ý kiến cho rằng kiểu trừng phạt này là quá nặng và không thực sự cần thiết.
"Tại sao không chọn cách giải quyết nhẹ nhàng hơn đó là tịch thu điện thoại của các học sinh vi phạm và chỉ trả lại vào cuối năm học, hoặc cho điểm kém các học sinh này là được. Chiếc điện thoại có tội tình gì đâu? Việc đập vỡ điện thoại là quá bạo lực và không thực sự cần thiết", một người dùng mạng xã hội cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên một trường học tại Trung Quốc sử dụng cách phá hủy điện thoại di động để răn đe và giúp học sinh tập trung học hành.
Vào tháng 4/2021, một trường học tại Tín Dương (Hà Nam, Trung Quốc) đã tổ chức cho các học sinh đập điện thoại trong buổi sinh hoạt đầu tuần. Theo video được chia sẻ trên mạng, các em lần lượt cầm điện thoại của mình lên bục, đặt lên chiếc bàn kê sẵn và tự dùng búa đập nát chúng trước sự chứng kiến của bạn bè, thầy cô.
Một trường học tại Tín Dương (Hà Nam, Trung Quốc) đã tổ chức cho các học sinh đập điện thoại trong buổi sinh hoạt đầu tuần. Ảnh: Znews.
Hiệu trưởng của trường cho biết việc để hai học sinh lên đập vỡ điện thoại là theo yêu cầu của phụ huynh. Vị hiệu trưởng nói thêm lý do là kỳ thi THPT sắp diễn ra, nhiều phụ huynh lo lắng vì không kiểm soát được việc con cái nghịch điện thoại.
"Để giáo dục con, phụ huynh đã viết giấy cam kết và học sinh cũng đồng ý để đập vỡ điện thoại", vị này khẳng định.
Hay vào cuối năm 2020, một giáo viên cấp 2 ở tỉnh Vân Nam cũng bắt 3 học sinh lần lượt tự đập vỡ điện thoại trong lớp. Giáo viên này sau đó đã nhận nhiều chỉ trích, bị đình chỉ dạy.
Như Quỳnh (T/h)