Thông báo của Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội 2 chỉ rõ, năm 2025, nhà trường áp dụng các phương thức tuyển sinh đại học chính quy gồm:
- Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT;
- Xét kết quả học học bạ;
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT;
- Xét tuyển dựa trên kết quả kì thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và kì thi đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
- Xét tuyển sử dụng kết quả kì thi tuyển sinh riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức.
- Các ngành đào tạo sư phạm chuyên biệt như Giáo dục mầm non, giáo dục Thể chất, Quản lí thể dục thể thao sử dụng các phương thức trên nhưng trong các tổ hợp tuyển sinh có sử dụng kết quả thi năng khiếu do nhà trường tổ chức. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 không sử dụng kết quả thi năng khiếu do các trường ĐH khác tổ chức.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Theo thông báo này, từ năm 2025, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 sẽ tổ chức 1 kì thi tuyển sinh riêng để xét tuyển.
Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tuyển khoảng 2.000 sinh viên. Trường sử dụng năm phương thức xét tuyển là xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia và Đại học Sư phạm Hà Nội, xét học bạ hoặc điểm thi đánh giá năng lực với điểm thi năng khiếu, xét tuyển thẳng và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ngày 17/8, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 công bố điểm chuẩn năm 2024. Ngành Sư phạm Ngữ Văn và Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất, đều là 28,83 điểm.
Sinh viên học các ngành sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của trường và hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, trung bình nhà trường dành 5-6 tỷ/năm học làm quỹ học bổng cho sinh viên.