Đây là sự kiện do Nhóm đề tài cấp Bộ tổ chức, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, lao động và môi trường.
Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề pháp luật, thực tiễn thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam về kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động và môi trường.
Nhiều bài tham luận đã được trình bày, điển hình như: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Thực thi cam kết môi trường trong các hiệp định thương mại thế hệ mới; Minh bạch và giải trình trong lĩnh vực môi trường; Thúc đẩy trách nhiệm kinh doanh trong bối cảnh già hóa dân số và thâm dụng lao động tại Việt Nam…
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Mở đầu phiên hội thảo thứ nhất với chủ đề: Pháp luật và thực tiễn thực thi pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm về môi trường. Chủ toạ là PGD.TS Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM, và Ths Lê Minh Nhựt - trường ĐH Luật TP.HCM cùng điều hành.
Mở đầu phiên tham luận là chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm với bảo vệ môi trường – bài học cho Việt Nam.
Chủ đề được trình bày bởi PGS.TS. Trần Thăng Long – Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường Đại học Luật TP.HCM; TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị - Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước – Đại học Kinh tế TP.HCM; ThS. Dương Quốc Thịnh - Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.
Nhóm tác giả đã đề cập đến bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường theo các cam kết quốc tế và yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP, việc học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết.
Bài tham luận đã đi sâu phân tích các mô hình và chính sách tiêu biểu ở một số quốc gia và khu vực phát triển, bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, cơ chế giám sát chặt chẽ, thúc đẩy sử dụng công nghệ xanh và phát triển bền vững…
Qua đó đề xuất các bài học cho Việt Nam nhằm xây dựng chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường: Cải thiện khung pháp lý hiện tại, tăng cường năng lực giám sát và kiểm tra, thúc đẩy hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ xanh, cũng như tạo động lực và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường…
PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM
Cùng tham gia trong hội thảo, Đề tài: Xu hướng ban hành các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam, do TS. Đào Gia Phúc, Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM trình bày: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibilities - CSR) đã trở thành chủ đề được quan tâm và phát triển trên toàn cầu trong những thập kỷ gần.
Tổng quan về CSR và xu hướng trên thế giới về việc ban hành các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ mô hình “tự nguyện” sang “bắt buộc”, kinh nghiệm của một số quốc gia điển hình tại Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á.
Tất cả đã được phân tích cụ thể nhằm đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam khi ban hành các quy định tương tự về CSR và định hướng những nội dung về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…
Nhóm tác giả Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày với chủ đề: Thực thi cam kết về môi trường trong các FTA thế hệ mới tại Việt Nam, tạo điều kiện thực hành kinh doanh có trách nhiệm hướng tới phát triển bền vững, do TS. Đỗ Việt Cường trình bày.
Các vấn đề được nêu như, nguồn lực và tài nguyên truyền thống dần khan hiếm, kinh doanh có trách nhiệm trở thành xu hướng quan trọng, được thúc đẩy bởi các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế hay Tổ chức Lao động quốc tế.
Các nguyên tắc Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang trở thành tiêu chuẩn cho sự vận hành của các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới. Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết cũng đề cao tầm quan trọng của những vấn đề môi trường.
Để thực thi những cam kết về môi trường trong các FTA thế hệ mới, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm đóng vai trò quan trọng…
TS.Phạm Hồng Hạnh – Khoa Pháp Luật Quốc Tế - Trường ĐH Luật Hà Nội đã tham gia trình bày chủ đề: Trách nhiệm minh bạch và giải trình của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường và quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong bài tham luận, tác giả đã nêu lên trách nhiệm minh bạch và giải trình là hai trong những nguyên tắc trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với nội dung cơ bản là “công khai về những quyết định và hoạt động ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và môi trường cũng như sẵn sàng trao đổi một cách rõ ràng, chính xác, kịp thời, trung thực và đầy đủ” và “chịu trách nhiệm về những tác động của mình đối với xã hội, kinh tế và môi trường”.
Hiệp định EVFTA và CPTPP đều có điều khoản yêu cầu mỗi bên ký kết nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng những nguyên tắc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực môi trường…
Tại phiên thứ hai của Hội thảo, với chủ đề pháp luật và và thực tiễn thực thi pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm về lao động, chủ toạ điều hành gồm: TS. Đinh Thị Chiến – Trường Đại học Luật TP.HCM; Ths. Châu Kim Anh – Chánh tòa Lao động, Tòa án nhân dânTP.HCM; ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.
Các bài tham luận đáng chú ý là “Tổng quan về xu hướng thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên thế giới và kinh nghiệm các nước Châu Á” do TS. Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Chính sách Công khu vực Châu Á, Tập đoàn RBA trình bày.
Hay, chủ đề “Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong bối cảnh già hoá dân số và thâm dụng lao động tại Việt Nam” do TS. Hồ Xuân Dũng – Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày.
Sau phần trình bày của hai phiên, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi, làm rõ các nội dung quan trọng trong từng tham luận. Nhiều câu hỏi thiết thực từ phía khách mời đã được đưa ra. Các diễn giả cũng đã tận tình giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ trong nước và quốc tế, tạo nên một không khí đối thoại mở và sâu sắc.
Hội thảo là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hướng tới phát triển bền vững, đồng thời cũng là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã tài trợ 20 triệu đồng vào Quỹ hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM.