Đại diện hội đồng NTNN khẳng định, các công trình lớn, khi nghiệm thu vẫn có thể tiềm ẩn những khiếm khuyết về chất lượng mà trong quá trình nghiệm thu, giám sát có thể chưa phát hiện ra, hoặc chưa bộc lộ.
Sau khi tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng chỉ sau một thời gian ngắn được đưa vào khai thác sử dụng, đã được Bộ trưởng bộ GTVT chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan, tuy nhiên, dư luận vẫn đặt ra nghi vấn việc nghiệm thu tuyến cao tốc này, liệu đã đảm bảo khách quan minh bạch?
Để làm rõ về trách nhiệm của hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (NTNN), trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng) cho biết: “Đoạn đường bị hư hỏng trong thời gian vừa qua là được sử dụng vốn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây là đoạn đường đã được hội đồng NTNN chấp thuận thông xe (chưa phải nghiệm thu hoàn thành) vào tháng 8/2017. Về bản chất, đây là đoạn đường đã được khai thác 14 tháng rồi mới xuất hiện hư hỏng”.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau khi được sửa chữa. |
Ông Lâm cho hay, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có hai đoạn, đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ sử dụng vốn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Trong cả hai thông báo chấp thuận thông xe sau khi kiểm tra nghiệm thu hồi tháng 8/2017 (đối với đoạn cao tốc sử dụng vốn JICA) và tháng 8/2018 (đối với đoạn cao tốc sử dụng vốn WB), hội đồng NTNN đều đánh giá về các điều kiện thông xe có đảm bảo hay không.
Nói về chất lượng công trình, ông Lâm khẳng định: “Tại các văn bản, đã yêu cầu những tồn tại còn lại chủ đầu tư phải tiếp tục khắc phục, báo cáo để hội đồng NTNN xem xét, nếu đủ điều kiện thì mới chấp thuận nghiệm thu hoàn thành công trình. Tại thời điểm kiểm tra đợt cuối để cho phép thông xe, lúc đó chưa xuất hiện dấu hiệu cũng như các hư hỏng về mặt đường”.
Lý giải về việc công trình đã nghiệm thu nhưng vẫn hư hỏng, ông Lâm chia sẻ: “Thực tế, các công trình lớn, khi nghiệm thu vẫn có thể tiềm ẩn những khiếm khuyết về chất lượng mà trong quá trình nghiệm thu, giám sát vẫn có thể chưa phát hiện ra, hoặc chưa bộc lộ. Sau một thời gian khai thác, đường chịu tải trọng và nhiều yếu tố tác động khác thì những khiếm khuyết về chất lượng có thể bộc lộ ra”.
“Nếu phát hiện ngay lúc kiểm tra nghiệm thu thì chắc chắn công trình không được chấp thuận nghiệm thu. Chính vì vậy mới có quy định về bảo hành để ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu phải khắc phục, sửa chữa đường khi có hư hại”, ông Lâm cho hay.
Cũng theo ông Lâm, trong thời gian bảo hành, nhà thầu, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát thường xuyên nhằm phát hiện hư hỏng và khắc phục kịp thời. Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có thời gian bảo hành 24 tháng, vì vậy, trách nhiệm và chi phí khắc phục các hư hỏng trong thời gian này là của các nhà thầu.
Hiện nay, quy trình sửa chữa, khắc phục đã được thực hiện theo các bước cào bóc các lớp vật liệu bị hư hỏng và thảm bù lại mặt đường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và nhà thầu phải khắc phục các tồn tại của công trình đã được chỉ ra tại thông báo của hội đồng NTNN.
Sau khi chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành các công việc này và có báo cáo, đề nghị chính thức về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình, hội đồng NTNN sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá và có ý kiến chấp thuận nghiệm thu hoàn thành khi đáp ứng đủ yêu cầu.
Theo ông Lâm, việc kiểm soát và đảm bảo chất lượng công trình là trách nhiệm của nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư; trong đó, vai trò của chủ đầu tư là phải tổ chức quản lý chất lượng. Nhà thầu làm ra sản phẩm thì chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, giám sát thì phải tổ chức giám sát đảm bảo công tác thi công của nhà thầu tuân thủ thiết kế, kỹ thuật, các quy chuẩn tiêu chuẩn liên quan.
Hội đồng NTNN kiểm tra công tác nghiệm thu căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư về chất lượng công trình. Trong đó, phải khẳng định và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình mà các bên đề nghị nghiệm thu.
Thế Anh
Theo Người Đưa Tin