Trung Quốc đang xây dựng đường hầm gió nhanh nhất thế giới để mô phỏng các chuyến bay siêu âm với tốc độ lên đến 12km mỗi giây, theo SCMP.
Một chiếc máy bay siêu âm có tốc độ “khủng” như vậy có thể tấn công bờ Tây nước Mỹ trong vòng chưa đến 14 phút. Các nhà nghiên cứu dự kiến đường hầm gió hiện đại, tiên tiến này sẽ được chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách liên quan đến các chương trình phát triển siêu vũ khí của Trung Quốc.
Ông Zhao Wei, Phó Giám đốc của Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia cho biết: “Đường hầm gió thử vũ khí sẽ thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật trong công nghệ siêu âm, chủ yếu là các lĩnh vực quân sự”. Những bài kiểm tra vũ khí mới ngay trên mặt đất sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ thất bại khi bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm.
Đường hầm gió mạnh nhất thế giới hiện nay là cơ sở của LENX-X ở Buffalo, New York (nước Mỹ), hoạt động với tốc độ lên đến 10 km/giây - gấp 30 lần tốc độ âm thanh. Quân đội Mỹ đã từng thử nghiệm HTV-2, một máy bay không người lái hiện đại vào ngày 20/3/2011 nhưng chuyến bay siêu tốc chỉ kéo dài chỉ vài phút trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Trung Quốc sở hữu siêu vũ khí có khả năng tấn công đến Mỹ trong vòng 14 phút. Ảnh: SCMP |
Từ tháng 3/2017 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 7 chuyến bay thử nghiệm thành công của siêu vũ khí DF-ZF (Mỹ gọi là WU-14). DF-ZF được cho là có thể di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh (12.360km/h) - tốc độ có thể xuyên qua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Các nước khác bao gồm Nga, Ấn Độ và Úc cũng đã thử nghiệm một số nguyên mẫu đầu tiên của máy bay, có thể được sử dụng để mang theo tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân.
Ông Wu Dafang, giáo sư tại Đại học Không gian vũ trụ Bắc Kinh – người từng nhận giải thưởng công nghệ quốc gia đã đánh giá về dự án đường hầm gió dù ông không trực tiếp tham gia. Theo ông Wu, đường hầm mới là “một trong những cơ sở thử cỗ máy bội siêu thanh tiên tiến và mạnh nhất trên thế giới. Đây chắc chắn là tin tốt cho chúng tôi. Tôi mong muốn dự án sẽ sớm được hoàn thành".
Trong đường hầm mới sẽ có một khu thử nghiệm đủ sức chứa máy bay tương đối lớn. Để tạo ra một luồng không khí với tốc độ cực kỳ cao, các nhà nghiên cứu sẽ kích nổ nhiều ống chứa hỗn hợp khí oxy, hydro và nito để tạo ra hàng loạt vụ nổ có thể phóng ra 1 tỉ watt điện trong vòng 1 giây, theo ông Zhao. Trên thực tế, 1 tỉ watt điện bằng với khoảng một nửa tổng công suất phát điện của nhà máy điện hạt nhân Daya Bay ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Dự án đường hầm gió mới dự kiến được hoàn thành vào năm 2020. Ảnh: SCMP |
Ngoài ra, các sóng xung kích được đưa vào khoang kiểm tra thông qua một đường hầm kim loại, sẽ bao bọc mô hình và tăng nhiệt độ lên tới 7.727 độ C, ông Zhao cho biết thêm.
Do đó những chiếc máy bay siêu âm phải được bao bọc bởi các vật liệu đặc biệt với hệ thống làm mát cực kỳ hiệu quả bên trong khung máy bay để tản nhiệt. Nếu không làm được như vậy, máy bay có thể dễ dàng biến mất hoặc tan ra khi bay một hành trình dài.
Đường hầm mới cũng sẽ được sử dụng để thử nghiệm máy bay phản lực - một loại động cơ phản lực mới được thiết kế đặc biệt cho các chuyến bay siêu âm. Động cơ phản lực truyền thống không có khả năng xử lý luồng không khí ở tốc độ như vậy.
Ông Zhao cho biết thêm công trình xây dựng đườ̀ng hầm gió mới do chính đội đã xây đường hầm thử nghiệm siêu máy bay JF-12 thực hiện. Đường hầm trước đó có khả năng tạo ra các điều kiện cho chuyến bay với tốc độ từ 6.125 km/giờ đến 11.025 km/giờ và ở tầm bay từ 20-50 km. Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ khi được hoàn thiện vào năm 2012, đường hầm thử JF-12 luôn hoạt động hết công suất với khoảng 2 ngày 1 đợt thử mới.
Jiang Zonglin, nhà phát triển chính của JF-12, đã giành được giải thưởng Ground Test Award do Hội Du hành vũ trụ Mỹ đưa ra vào năm 2016 vì đã thúc đẩy "cơ sở thử nghiệm siêu âm quy mô lớn nhất".
Phương Phương (Theo SCMP)