Động thái của Trung Quốc nhằm xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã chứng tỏ sự thay đổi của Bắc Kinh từ phòng thủ sang tấn công. Đây cũng được xem là bước đi tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Một công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South) của Việt Nam. |
Một công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South) của Việt Nam.
Trung Quốc đang xem xét việc mở rộng cơ sở lớn nhất của mình tại Bãi Chữ Thập thành một hòn đảo nhân tạo, với cả đường băng và hải cảng, để thúc đẩy mạnh mẽ sức mạnh quân sự ở Biển Đông, một học giả và một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho hay.
Bãi Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988.
Theo giới phân tích, kế hoạch mở rộng Bãi Chữ Thập, nếu được phê chuẩn, sẽ là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi về chiến lược của Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền kéo dài từ vị thế phòng thủ sang tấn công. Đây cũng được xem là một bước đi tiến tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Philippines hồi tháng trước đã phản đối các hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South) gần đó.
Trong bối cảnh các diễn biến gần đây ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý của thế giới đối với Trung Quốc, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc cải tạo Bãi Chữ Thập có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia láng giềng.
Kế hoạch đã được trình lên chính phủ trung ương
Jin Canrong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho biết đề xuất xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại Bãi Chữ Thập đã được trình lên chính phủ trung ương. Hòn đảo nhân tạo sẽ rộng ít nhất gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ Diego Garcia - một đảo san hô rộng 44 km2 ở giữa Ấn Độ Dương.
Trung Quốc gần đây đã xây dựng các cơ sở trên Bãi Chữ Thập, trong đó có một trạm quan sát.
Li Jie, một chuyên gia hải quân từ Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc, cho hay hòn đảo nhân tạo sẽ bao gồm một đường băng và một cảng. Sau khi mở rộng, hòn đảo sẽ tiếp tục là nơi đặt trạm quan sát và để cung cấp hỗ trợ và tiếp tế quân sự.
Một quan chức cấp cao đã nghỉ hưu giấu tên của quân đội Trung Quốc tiết lộ rằng việc xây dựng một đường băng tại Bãi Chữ Thập có thể cho phép Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn cho việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Tuyến bố của Bắc Kinh về một dùng như vậy trên Hoa Đông hồi tháng 12 năm ngoái đã gây ra những lo ngại đối với các quốc gia Đông Nam Á rằng một ADIZ tương tự sẽ được áp đặt ở Biển Đông.
Bãi Chữ Thập nằm gần các tuyến đường biển và có thể trở thành một điểm đỗ hải quân chiến lược, Alexander Neill, một trong những đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La 13 tại Singapore mới đây, cho biết.
Ông Jin cho hay việc cân nhắc có hay không và làm cách nào để thực hiện kế hoạch đảo nhân tạo tại Bãi Chữ Thập có thể phụ thuộc vào tiến triển công việc cải tạo tại bãi đá Gạc Ma.
"Đó là một dự án xây dựng trên biển rất phức tạp, vì vậy chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ bãi đá Gạc Ma", ông Jin nói.
Âm mưu xây dựng từ nhiều năm trước
Trung Quốc đã âm mưu các tham vọng hải quân từ nhiều năm trước. |
Từ cuối tháng trước, các thông tin về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo đã lan truyền trên báo chí Trung Quốc. Trích dẫn một báo cáo được đăng tải trên trang web của Viện nghiên cứu và thiết kế đóng tàu số 9 Trung Quốc (NDRI) tại Thượng Hải, tờ Thời báo Hoàn cầu cho hay kế hoạch đảo nhân tạo - vốn chưa rõ ràng - có thể bao gồm một đường băng và một bến tàu.
Zhang Jie, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Học viện khoa học Trung Quốc, cho biết Trung Quốc từ lâu đã nghiên cứu cải tạo đảo. Các viện nghiên cứu và các công ty đã phác thảo các thiết kế khác nhau trong thập niên qua. Chuyên gia này nói thêm rằng bà đã tham dự cuộc thảo luận về một đề xuất nhiều năm trước.
"Chúng tôi đã có khả năng xây dựng các đảo nhân tạo nhiều năm trước, nhưng chúng tôi phải kiềm chế vì chúng tôi không muốn gây quá nhiều tranh cãi", bà Zhang nói.
Tuy nhiên, năm nay đã chướng kiến một "bước ngoặt" khi Bắc Kinh liên tiếp tiến hành các hành động khiêu khích trong khu vực, trong đó có việc triển khai một giàn khoan dầu trái phép trong lãnh hải Việt nam.
"Chắc chắn rằng việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo có thể trợ giúp tiếp tế cho các tàu và các giàn khoan gần đó, nhưng điều này cũng gây những ảnh hưởng rất tiêu cực trong khu vực", bà Zhang nhận định.
Theo bà Zhang, những động thái như vậy có thể làm gia tăng sự ngờ vực giữa các láng giềng của Trung Quốc và gây mất ổn định trong khu vực.
Bộ quốc phòng và bộ ngoại giao Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì về các thông tin trên.