Theo Thời báo Hoàn Cầu, tối 19/6, bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo đã tiến hành thử nghiệm công nghệ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối không trong lãnh thổ nước này và "đã đạt được kết quả như mong đợi". Tuy nhiên, chi tiết của vụ thử không được công bố.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh vụ thử "mang tính chất phòng thủ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào".
Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 hồi tháng 6/2021. Ảnh: SCMP
Đây không phải lần đầu tiên quân đội Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công công nghệ đánh chặn tên lửa đất đối không.
Trước đó, bộ Quốc phòng Trung Quốc đã 5 lần tuyên bố "thực hiện thành công thử nghiệm công nghệ đánh chặn tên lửa đất đối không" hoặc "đạt được kết quả mong đợi".
Cụ thể, lần đầu tiên vào ngày 11/1/2010, tiếp đó lần lượt các ngày 27/1/2013, 23/7/2014, 5/2/2018 và 4/2/2021. Trong đó, chỉ có cuộc thử nghiệm năm 2014 là không đề cập đến giai đoạn đánh chặn, còn lại đều được ghi rõ ràng là "đánh chặn chống tên lửa tầm trung".
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời nhận định của một chuyên gia quân sự giấu tên, cho biết các vụ thử nghiệm cho thấy năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đang ngày càng đáng tin cậy và giúp củng cố khả năng răn đe của nước này trước các mối đe dọa hạt nhân.
Theo hãng 163, quá trình bay của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thường bao gồm 3 giai đoạn: đầu, giữa và cuối. Đánh chặn tầm trung, tức giai đoạn giữa, là quan trọng nhất trong kỹ thuật đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Trong giai đoạn giữa chuyến bay, động cơ của tên lửa bị tắt khi lao ra ngoài bầu khí quyển. Lúc này quỹ đạo bay của tên lửa tương đối ổn định, sau khi hệ thống trinh sát tính toán quỹ đạo, nó có thể dẫn đường chính xác cho tên lửa đánh chặn tiến hành một hoặc nhiều lần phản công.
Nếu đánh chặn kịp thời có thể làm giảm đáng kể mức độ sát thương của tên lửa, các mảnh vỡ sẽ không rơi vào lãnh thổ và làm giảm hiệu quả thiệt hại cho các mục tiêu trên mặt đất.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu, 163)