Theo thông tin mới nhất từ tờ SCMP, ngày 21/9, Đại học Giao thông Tây An - một trong những trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc thông báo rằng trường không còn yêu cầu sinh viên phải hoàn thành Bài kiểm tra tiếng Anh (CET) để xét tuyển vào trường hoặc tốt nghiệp.
CET là kỳ thi tiếng Anh hàng năm của Trung Quốc dành cho sinh viên đại học và sau đại học, người học thường phải vượt qua hai cấp độ: Cấp 4 để được nhận vào một trường đại học và Cấp 6 để tốt nghiệp. Quyết định của Đại học Giao thông Tây An được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về lợi ích thực tế của môn học đối với nhiều người ở nước này.
Theo văn phòng công tác học thuật của Đại học Giao thông Tây An, sự thay đổi này là “biện pháp bình thường được nhà trường thực hiện theo những diễn biến hiện tại”, lưu ý thêm rằng các khóa học tiếng Anh cấp đại học dựa trên CET vẫn sẽ được giảng dạy.
Đại học Giao thông Tây An bỏ kỳ thi tiếng Anh bắt buộc đối với sinh viên vì thấy "không thực tế". Ảnh: Getty Images
Phải vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh đại học là yêu cầu tốt nghiệp ở phần lớn các trường đại học Trung Quốc trong nhiều thập kỷ -với kỳ thi tiêu chuẩn quốc gia lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1987, mặc dù chính phủ chưa bao giờ đưa điều này thành chính sách chính thức.
Nhưng trong những năm gần đây, một số trường đại học đã hạ thấp tầm quan trọng của tiếng Anh, bằng cách thay thế Kỳ thi tiếng Anh đại học quốc gia bằng kỳ thi của chính họ hoặc loại bỏ hoàn toàn bằng cấp tiếng Anh trong tiêu chí tốt nghiệp như trường hợp của Đại học Giao thông Tây An.
Tiến sĩ Yu Xiaoyu - nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết mặc dù việc loại bỏ CET như một yêu cầu về bằng cấp sẽ không làm giảm tầm quan trọng của tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Trung Quốc nói chung, nhưng sinh viên có thể trở nên ít động lực học ngôn ngữ hơn.
“Điều không thay đổi là phần lớn thị trường việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn coi tiếng Anh là có lợi, vì vậy có nhiều khả năng những sinh viên có trình độ tiếng Anh cao hơn, đặc biệt là những người có thể chứng minh được điều đó, sẽ có nhiều cơ hội hơn”, ông Yu nói thêm.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, quan điểm cho rằng việc học ngôn ngữ thứ hai sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng ngôn ngữ mẹ đẻ của người học là sai lầm. Cùng với Tiếng Trung và Toán, Tiếng Anh là một trong ba môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia ở Trung Quốc hay còn gọi là Gaokao.
Kế hoạch giảm bớt gánh nặng cho tiếng Anh trong khi tăng cường trọng lượng cho tiếng Trung đã được thảo luận trong khoảng một thập kỷ trở lại đây ở Trung Quốc đại lục, trong đó các trường đại học cũng được khuyến khích hạ thấp tiêu chuẩn để giảm bớt áp lực cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên ở khu vực nông thôn, nơi hiếm khi sử dụng tiếng Anh.
Phương Uyên (T/h)