Theo quan điểm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, một "Trung Quốc mạnh mẽ" sẽ được thể hiện qua nhiều yếu tố.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông sẽ mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Một thời kỳ khác hoàn toàn những thời kỳ trước đây của Đặng Tiểu Bình hay Mao Trạch Đông.
Đây là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm cải cách của Tập Cận Bình, ông đã thay đổi nhân sự cho nhiều vị trí quan trọng trong đội ngũ quản lý cổ phiếu và ngân hàng Trung Quốc cũng như Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia. Một vài người từng làm việc với Chủ tịch trong quá khứ. Nhiều người khác là người bảo trợ của Chu Dung Cơ, cựu Thủ tướng từng tham gia đàm phán về việc gia nhập WTO của Trung Quốc vào năm 2001 và giám sát cuộc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters |
Một quan chức chính phủ cấp cao nhận định ông Tập Cận Bình cần phải rất thận trọng trước khi giải quyết các cải cách có thể khiến nền kinh tế mất ổn định.
Sự thận trọng được thể hiện ở chỗ ông đã ngưng hoặc đảo ngược một loạt các cải cách tài chính và kinh tế ngay khi chúng rơi vào tình trạng trì trệ. Lần gần đây nhất Trung Quốc cải cách kinh tế mạnh mẽ đến vậy là dưới thời Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, trái ngược với cuộc cải cách đầy rủi ro nhưng thành công của Đặng Tiểu Bình, từ năm 2013, ông Tập Cận Bình đã đảo ngược nhiều quyết định tự do hoá tài chính khi dấu hiệu bất ổn đầu tiên xuất hiện. đặc biệt là sau khi thị trường sụp đổ vào năm 2015 và đồng nhân dân tệ trượt giá. Gần đây, chính quyền của ông đã ngăn chặn làn sóng đầu tư trực tiếp ồ ạt ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân lớn.
Trong bản đánh giá Trung Quốc gần nhất, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xem xét ghi chép của chính quyền Tập Cận Bình về 14 thách thức liên quan tới giảm nợ doanh nghiệp và rủi ro tài chính, nới lỏng kiểm soát ngoại tệ và cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. IMF kết luận: nước này mới chỉ hoàn thành tiến độ của “một vài” hoặc “rất ít” trong 12 trên 14 lĩnh vực trên.
Một quan chức Trung Quốc đã nói: “Chúng ta đã rút ra bài học từ những điểm tham chiếu của chính mình. Trung Quốc hoạt động tốt nhất dưới một chính quyền trung ương vững mạnh, một lãnh đạo mạnh mẽ và một hệ tư tưởng thống nhất. Khi đó đất nước sẽ thịnh vượng.”
Ông Tập đã thực hiện một “học thuyết niềm tin” về sự tự hào đối với nền kinh tế chính trị độc đáo của Trung Quốc. Khởi đầu khác thường của nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump và sự rạn nứt tại châu Âu sau khi Anh quyết định rời EU đã cho người Trung Quốc một niềm tin chưa từng có đối với hệ thống chính trị và hình mẫu phát triển kinh tế của quốc gia.
Ngày 25/10, trong một phiên thảo luận tại Hội đồng Quan hệ quốc tế nhân chuyến thăm Mỹ, trả lời câu hỏi về việc liệu ông Tập Cận Bình sẽ thể hiện sức mạnh của Trung Quốc thế nào sau khi củng cố vị thế, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói: "Nếu nhìn vào khác biệt trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng, đó là điều tự thân Trung Quốc đã nói lên rồi. Với ông Mao, Trung Quốc đứng dậy. Với ông Đặng, họ đạt được sự giàu có và bây giờ với ông Tập, họ mạnh mẽ. Vậy thì cái ‘mạnh mẽ’ ở đây là gì?".
Theo quan điểm của Thủ tướng Singapore, một "Trung Quốc mạnh mẽ" sẽ được thể hiện qua nhiều yếu tố.
Đầu tiên là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu dài hơn ba tiếng tại Đại hội 19. Trong đó gợi mở việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ điều hành mạnh mẽ hơn, duy trì sự phát triển kinh tế, xem xét vấn đề môi trường và phúc lợi cho con người, đồng thời nhắc tới một lực lượng quân đội hùng mạnh.
Nhưng tất cả những gì ông Tập đã đề cập bên trên đều rất phổ biến, khi một cường quốc nói về thiên hướng phát triển của họ. Quan trọng là họ sẽ nhấn vào cái gì, mà đó là thứ cả thế giới muốn biết và chờ đợi.
Trong lần viếng thăm Mỹ vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng khẳng định thái độ của Mỹ với Trung Quốc sẽ quyết định nhiều mặt, không chỉ sự thịnh vượng chung, mà còn là hòa bình.
Theo giáo sư Thayer, ông Tập Cận Bình cũng sẽ tiếp tục tìm cách đưa Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới về mọi mặt, từ kinh tế, quân sự, chính trị đến ngoại giao. Điều ấy được thể hiện qua sáng kiến Một vành đai, một con đường - chi tiết được đưa vào “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Đây là công cụ để Trung Quốc "tái tạo trật tự thế giới mới".
Trong tiến trình ấy, ông Thayer cho biết Trung Quốc vẫn cố gắng làm việc cùng Mỹ, nhưng sẽ dần tiến tới việc xây dựng vị thế "Primus inter pares" - người đầu tiên trong số những người đồng cấp.
Hằng Thanh (T/h)